Sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên

07:55 - Thứ Năm, 24/03/2022 Lượt xem: 4595 In bài viết

ĐBP - Phát huy tinh thần tuổi trẻ không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, bằng sức trẻ, cùng những ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nắm bắt xu thế thị trường... để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình trồng dâu tây của anh Hoàng Văn Dán, bản Bua, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) cho thu nhập cao.

Đến xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ), hỏi thăm anh Hoàng Văn Dán ở bản Bua không ai là không biết, bởi anh là một trong những thanh niên năng động, sáng tạo ở địa bàn dân cư. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao làm giàu, hiện anh đang là chủ sở hữu của vườn dâu tây lớn với diện tích hơn 2.000m2. Chia sẻ mô hình phát triển kinh tế của gia đình, anh Dán cho biết, cơ duyên đến với anh khi năm 2020, trong một lần về huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) chơi, thấy bà con nơi đây trồng nhiều dâu tây, bán lại được giá nên ý tưởng trồng dâu tây trên mảnh đất Mường Phăng được anh nhen nhóm. Tìm hiểu kĩ, anh Dán nhận thấy, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Phăng có phần tương đồng với Mộc Châu, bởi vậy anh đánh liều trồng thử vài trăm mét vuông.

“Ban đầu mình cũng sợ thất bại bởi điều kiện gia đình khó khăn, phần lớn số tiền đầu tư vào mô hình này vợ chồng đi vay mượn. Nhưng quá trình làm, được cán bộ xã, rồi cả tổ chức đoàn thanh niên và người thân động viên nên mình đánh liều. Mà cũng nhờ sự liều lĩnh đó đến nay, mô hình dâu tây của gia đình đã mang lại thành công bước đầu. Không những vậy, hiện nay, mình còn thuê thêm 2.500m2 đất ruộng một vụ để mở rộng diện tích; đồng thời thành lập Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng - Điện Biên để quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho quả dâu tây” - anh Dán chia sẻ.

Theo anh Dán, cây dâu tây chi phí ban đầu cao nhưng bù lại lại cho thu nhập đa dạng. Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì bán quả. Thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống. Tuy vậy, chỉ tính bán quả tươi, vườn dâu tây của gia đình cũng có thể đem lại lợi nhuận cao. Với diện tích 3.000m2, giá bán từ 80 - 160 nghìn đồng/kg quả, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Dán cũng thu về gần 200 triệu đồng.

Cũng như anh Hoàng Văn Dán, anh Phạm Anh Dũng, đội 7, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) là một trong những thanh niên điển hình với khát khao lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện anh cũng là thanh niên trẻ tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, được nhiều cấp, nhiều ngành biểu dương, ghi nhận. Anh Dũng cho biết, dù tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực Sơn Tây, Hà Nội, nhưng cái “máu” nhà nông khiến anh từ bỏ công việc đã chọn để theo đuổi đam mê làm kinh tế. Khởi phát từ năm 2013, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, anh mạnh dạn vay 500 triệu đồng để xây dựng trang trại. Ban đầu anh đầu tư trồng gấc và cây đinh lăng làm cây trồng chủ lực cho trang trại của mình. Sau một thời gian, thấy gấc không hiệu quả nên anh quyết định loại bỏ cây trồng này và giữ lại đinh lăng. Đến năm 2015, anh tiếp tục cải tạo trang trại, xây dựng theo mô hình vườn chuồng khép kín với quy mô 1,5ha; mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng với hơn 7.000m2; cùng với đó đầu tư nuôi thêm một số loại, như: chim bồ câu, gà, vịt, ngan, thỏ. Đến nay, trang trại của gia đình anh Dũng luôn duy trì khoảng 1.000 đôi bồ câu, mỗi tháng xuất bán từ 700 - 800 con. Đối với thỏ mỗi tháng trung bình xuất từ 5 - 6 tạ thịt và khoảng 2.000 con giống/tháng. Ngoài ra, mỗi năm anh cũng xuất ra thị trường khoảng 12 tấn gà, vịt. Trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của anh cho thu nhập gần 900 triệu đồng/năm. Anh Dũng chia sẻ: “Thành công từ mô hình, hàng năm tôi cũng tạo điều kiện, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, với những thanh niên hay người dân trong vùng ai muốn học hỏi phương pháp phát triển kinh tế của gia đình, tôi không ngần ngại chia sẻ với mong muốn giúp họ vươn lên trong cuộc sống”.

Anh Dán, anh Dũng chỉ là hai trong rất nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh dám nghĩ, dám làm, nắm bắt xu thế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Để đồng hành cùng ĐVTN, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp của các tổ chức Đoàn đối với ĐVTN tại cơ sở thì hàng năm, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động giúp ĐVTN khởi nghiệp; đồng thời giới thiệu, nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, tìm kiếm, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ... để phát triển thành các dự án khởi nghiệp mang tính khả thi cao. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ĐVTN và người dân về nghề nghiệp, việc làm; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng số dư nợ tổ chức đoàn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 840 tỷ đồng với gần 20.000 ĐVTN tham gia. Thông qua nguồn vốn vay, đã có hàng nghìn ĐVTN trong tỉnh vượt qua khó khăn, hàng trăm thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng với các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Quang Long
Bình luận
Back To Top