Những thanh niên vượt lên gian khó

08:08 - Thứ Sáu, 25/03/2022 Lượt xem: 4341 In bài viết

ĐBP - Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống nhưng phát huy tinh thần của tuổi trẻ không chùn bước trước gian khổ, khó khăn, xung kích đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động… Nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã vượt khó vươn lên trở thành những tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, được nhiều người khâm phục, ngưỡng mộ.

Dù bị khuyết tật 2 chân nhưng anh Vàng A Chớ vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và có nguồn thu ổn định. Trong ảnh: Anh Chớ rèn dao cho khách.

Nỗ lực phát triển kinh tế

Câu chuyện về anh Vàng A Chớ, thôn 1, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, người bị khuyết tật cả 2 chân nhưng vẫn tự lập vươn lên phát triển kinh tế, được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến. Do chân anh bị tật bẩm sinh nên rất yếu, không thể đi lại bình thường, mỗi khi di chuyển anh đều phải chống gậy. Anh Chớ chia sẻ: Bị khuyết tật, không giúp được gì cho gia đình còn trở thành gánh nặng nên nhiều khi tôi cũng chán nản, tự trách bản thân. Nhưng với quyết tâm vượt qua khó khăn, không đầu hàng số phận, lại được mọi người động viên, nên tôi đã dần thay đổi suy nghĩ nỗ lực để bản thân “tàn” nhưng không “phế”. Với suy nghĩ, bị khuyết tật ở chân, nhưng vẫn còn đôi tay để làm việc, lao động. Trong khi, bản thân sinh sống ở nông thôn, nơi người dân có nhu cầu sử dụng dao trong công việc và sinh hoạt hàng ngày nhiều. Tôi đã xin gia đình cho đi học nghề rèn. Sau khi học xong tôi tự mở lò rèn tại gia đình.

Bằng đôi tay khỏe mạnh và khéo léo của mình, thời gian qua anh Chớ đã rèn ra những con dao có chất lượng tốt, được nhiều người tin tưởng đặt mua. Nhờ đó, anh Chớ đã có công việc tương đối ổn định, thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng để lo cho bản thân và gia đình. Bên cạnh rèn dao, anh còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng nguồn thu, cải thiện bữa ăn cho đình. Với ý chí quyết tâm vượt lên số phận, anh đã được mời tham gia Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 và được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen.

May mắn khi không bị khuyết tật như anh Chớ, nhưng quá trình khởi nghiệp đi lên của anh Lò Văn Phóng, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông cũng hết sức vất vả, gian nan. Mặc dù có bằng cấp nhưng không xin được việc nên anh phải xuống các tỉnh dưới xuôi làm thuê tại các trang trại chăn nuôi. Sau hơn 3 năm vất vả làm thuê nhưng cũng chỉ đủ ăn, anh Phóng quyết định về quê vay vốn ngân hàng, bạn bè, người thân để xây dựng chuồng trại chăn nuôi 40 con lợn thịt, 800 con gà tam hoàng. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm chăn nuôi trong thời gian đi làm thuê, cộng với việc tích cực học hỏi, chăm sóc đúng kỹ thuật, chủ động khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh nên đàn vật nuôi của anh lớn nhanh, khỏe mạnh. Ngay lứa đầu tiên xuất chuồng đã mang về cho anh hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Có thêm nguồn vốn, anh tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại, kho chứa cám, nhà sát trùng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài ra, tận dụng kiến thức được đào tạo, anh còn mở quầy thuốc thú y kết hợp với bán thức ăn chăn nuôi cho người dân. Từ hai bàn tay trắng, sau 3 năm nỗ lực anh đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả với thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Xung kích tham gia phòng, chống dịch

Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, phát huy tinh thần của tuổi trẻ, không ngại khổ, không ngại khó, ĐVTN trong tỉnh còn xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, nhất là trong thời gian qua khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn đã có nhiều ĐVTN gác lại những khó khăn của bản thân xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Bác sỹ Lò Thị Thanh Hợp, Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ là một

điển hình như thế. Khi dịch bùng phát trên địa bàn, chị đã cùng các ĐVTN vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, chủ động khai báo, cách ly y tế. Bản thân chị đã xung phong tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng trên địa bàn các xã: Si Pa Phìn, Vàng Đán, Nà Hỳ; tham gia hỗ trợ trạm y tế các xã trong công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân... Hay trường hợp của anh Hoàng Văn Bắc, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên anh đã được cử xuống địa bàn để tham gia công tác phòng chống dịch, giúp các địa phương triển khai các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, anh kịp thời tham mưu cho lãnh đạo xây dựng kế hoạch trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổng hợp số liệu phòng chống dịch hàng ngày; hướng dẫn các huyện thực hiện hoạt động chuyên môn trong phòng chống dịch theo chỉ đạo của cấp trên; tham gia đội cơ động phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm. Ngoài ra, anh cũng tham gia công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; hướng dẫn các đơn vị quản lý đối tượng, nhập đối tượng lên phần mềm tiêm chủng quốc gia, lập danh sách đối tượng tiêm trên phần mềm; tham gia giám sát tại các điểm tiêm phòng vắc xin… Chính thành tích nổi bật trong công tác tham gia phòng, chống dịch đã giúp 2 ĐVTN trên được đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Bộ Y tế về Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2021.

Những ĐVTN trên chính là tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực, tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ trong việc vượt qua khó khăn, thách thức để đạt thành công trong cuộc sống. Mong rằng với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ có nhiều hơn nữa những ĐVTN vượt khó vươn lên để phấn đấu đạt được mục tiêu, lí tưởng của mình trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top