Hiệu quả Dự án “Phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái” ở Mường Chà

08:42 - Thứ Hai, 28/03/2022 Lượt xem: 4081 In bài viết

ĐBP - Qua 2 năm triển khai Dự án “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên” của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Mường Chà bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Dự án có nhiều hoạt động giúp nâng cao năng lực, vai trò của Ban bảo vệ trẻ em cấp cộng đồng, giúp Phụ nữ và trẻ em nâng cao khả năng bảo vệ bản thân trước nguy cơ buôn bán và bạo lực, cải thiện năng lực, địa vị kinh tế của phụ nữ trong gia đình.

“Hội viên Nhóm tiết kiệm tự quản bản 36, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) nhận tiền vay không tính lãi, để phát triển kinh tế gia đình”.

Dự án “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên” được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ cho các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản thông qua Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Mường Chà, Chương trình vùng Mường Chà trực tiếp thực hiện dự án. Qua kết quả khảo sát thực tế của Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam cho thấy, quyền đưa ra ý kiến và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội so với nam giới còn rất thấp. Tại huyện Mường Chà, từ năm 2016 - 2018, Công an huyện đã phát hiện và bắt giữ 4 vụ, 11 đối tượng mua bán người và mua bán trẻ em ra nước ngoài. Các nạn nhân bị mua bán đa số là phụ nữ, trẻ em và các em học sinh lứa tuổi vị thành niên. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện không phát hiện vụ mua bán người nào. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền và các cơ quan đoàn thể đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy rằng toàn huyện không phát hiện ra vụ mua bán người nào, nhưng hàng năm số người dân di cư tự do, xuất cảnh trái phép hoặc các trường hợp rời khỏi địa phương mà không có liên lạc về với gia đình vẫn xảy ra, các trường hợp này đều tiềm ẩn nguy cơ cao khả năng bị mua bán ra nước ngoài. Do đó, Dự án “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái” tập trung giải quyết 2 vấn đề đó là: triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và nâng cao địa vị, năng lực làm chủ kinh tế của phụ nữ. Tại huyện Mường Chà “Dự án Phòng chống mua bán Phụ nữ và trẻ em gái” được triển khai tại 19 bản mục tiêu thuộc 3 xã Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài.

Một trong những hoạt động của dự án là nâng cấp, xây dựng nhà văn hóa ở các bản - nơi mà phụ nữ có thể tham gia sinh hoạt, trao đổi thông tin, tiếp thu kiến thức, cũng như tạo ra không gian để các hoạt động tuyên truyền được diễn ra thuận lợi nhất. Trong năm 2021, dự án đã hỗ trợ xây dựng 2 nhà, nâng cấp 8 nhà văn hóa với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.Trên cơ sở đó, cùng với hình thức thăm hộ, Chương trình vùng Mường Chà đã tổ chức tuyên truyền thông qua các câu lạc bộ phụ nữ, cụ thể tổ chức 135 buổi tuyên truyền cho trên 1.800 lượt phụ nữ. Mở 10 lớp tập huấn về kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ, 3 khóa tập huấn về kỹ năng sống cho trên 800 trẻ em. Thông qua các buổi tuyên truyền, các hội viên được tiếp thu các kiến thức về các vấn đề phòng chống mua bán người, cách chăm sóc gia đình nuôi dạy con cái, các kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao các kỹ năng phát triển bản thân... Chị Hồ Thị Chứ, bản 36, xã Sa Lông chia sẻ “Trước đây khi chưa tham gia câu lạc bộ phụ nữ, em hay rụt rè, e ngại trước đám đông, nhưng bây giờ khác rồi em có thể mạnh dạn đứng trước mọi người nói ra những hiểu biết, suy nghĩ của mình,  tự tin thuyết trình một vấn đề nào đó, điều này làm em cảm thấy rất vui và tự hào”.

Cùng với đó, việc cải thiện, nâng cao địa vị kinh tế cho phụ nữ được Dự án rất chú trọng, bởi đây là một trong những điều kiện giúp cho phụ nữ dễ dàng có “tiếng nói” hơn trong gia đình và xã hội. Trong năm 2021, đã có trên 450 phụ nữ được hỗ trợ sinh kế bằng nhiều hình thức khác nhau với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Một trong những hoạt động đó là hỗ trợ 30 con bò sinh sản cho phụ nữ xã Sa Lông và Huổi Lèng. Tại lễ bàn giao bò, niềm vui thể hiện rõ trên từng khuôn mặt của chị em phụ nữ, bởi đối với những phụ nữ vùng cao, trong gia đình có bò giống để nuôi là niềm mơ ước của nhiều gia đình nghèo. Mỗi hội viên được trao 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng và được hỗ trợ vật liệu để làm chuồng. Đồng thời trước đó được tập huấn kỹ năng chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh. Sau khi bò sinh được 3 bê con, bò mẹ sẽ được bàn giao lại cho các hội viên khác. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân An, Quản lý Chương trình vùng Mường Chà cho biết: “Ngay từ khi triển khai, chúng tôi nhận được sự phối hợp nhiệt tình từ phía các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương. Để thực hiện dự án thuận lợi nhất, Chương trình vùng Mường Chà đã thường xuyên trao đổi thông tin với các bên, để từ đó có những phương án sát với tình hình thực tế, đảm bảo cho quá trình triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay “Dự án Phòng chống mua bán Phụ nữ và trẻ em gái” tại Mường Chà đã bước vào năm thứ 3 (năm cuối cùng), chúng tôi hướng đến mục tiêu khi Dự án kết thúc, phía địa phương có thể tiếp tục thực hiện có hiệu quả những hoạt động của các câu lạc bộ, mô hình tiết kiệm, các thành viên phụ nữ có thể sử dụng nguồn vốn sinh lời để phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống của chính mình.

Nguyễn Vân (huyện Mường Chà)
Bình luận

Tin khác

Back To Top