Nữ chiến sĩ công an cấp xã - Gần dân để được dân tin yêu

11:12 - Thứ Bảy, 02/04/2022 Lượt xem: 4731 In bài viết

ĐBP - Thực hiện phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” theo đúng tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị và Đảng ủy Công an Trung ương, hội viên phụ nữ Công an Điện Biên đã tích cực hưởng ứng thực hiện Đề án của Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, qua đó đã có 8 hội viên xung phong xuống cơ sở đảm nhiệm chức danh phó trưởng công an xã, công an viên xã tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Con số này so với nhiều địa phương khác trong cả nước còn hạn chế, nhưng chỉ có những người sinh ra, lớn lên và đang từng ngày gắn bó với mảnh đất này mới hiểu - địa bàn cấp xã ở đây có những khó khăn, thử thách mà không phải ai cũng có thể sẵn sàng nhận, thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất - kể cả họ là nam giới.

Đồng chí Trần Thị Thương (thứ 2, từ trái sang) cùng cán bộ Hội Phụ nữ Công an tỉnh thăm hỏi nhân dân xã Thanh Minh.

Gần dân để được dân tin yêu, ủng hộ

Đôi mắt lúc nào cũng ánh lên niềm vui, khuôn mặt tươi tắn, miệng nói tay làm là những ấn tượng ban đầu mà có lẽ bất cứ ai gặp cũng sẽ cảm nhận được về Thiếu tá Trần Thị Thương, Phó trưởng Công an xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ. Ngay sau khi Ban Giám đốc Công an tỉnh  phát động cán bộ chiến sĩ tình nguyện xung phong về công tác tại Công an cấp xã, mặc dù lúc ấy nhiều người còn chưa hiểu sẽ làm gì, làm như thế nào, công việc ở cấp xã bao gồm những nội dung cụ thể ra sao thì Trần Thị Thương đã mạnh dạn là nữ chiến sĩ công an Điện Biên đầu tiên viết đơn xung phong về cấp xã và được điều động, phân công làm Phó trưởng Công an xã Nà Tấu thuộc huyện Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ).

Thiếu tá Thương chia sẻ: “Ngay từ đầu, bản thân tôi đã mong muốn được thay đổi môi trường công tác, được trực tiếp sâu sát, gần gũi, chia sẻ với nhân dân và xác định rõ tư tưởng sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi được giao phó, vì vậy sau khi xung phong và được phân công về công tác tại Công an xã Nà Tấu, tôi đã rất phấn khởi. Tôi đã cùng đồng đội của mình chủ động, kiên trì bám, nắm dịc bàn được phân công, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Từ đó nắm được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tình hình cụ thể của từng khu vực trên địa bàn quản lý và kịp thời đề ta từng giải pháp quản lý phù hợp. Trong đó, việc tăng cường CBCS thường xuyên xuống các bản, đến tận hộ gia đình, vừa giúp người dân lao động sản xuất, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe theo kẻ xấu là một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn...

Và, môi trường cấp cơ sở đã tôi luyện lên một Trần Thị Thương bản lĩnh, thân thiện, sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ được giao dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hơn 1 năm sau khi nhận nhiệm vụ ở xã Nà Tấu, Thương được điều động về nhận nhiệm vụ tại Công an xã Thanh Minh thuộc Công an TP. Điện Biên Phủ. Ông Phạm Quang Đôn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Minh cho biết: “Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thanh Minh rất tin tưởng, phấn khởi, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với công việc của các đồng chí công an, trong đó có Thiếu tá Trần Thị Thương, Phó trưởng công an xã. Mặc dù là nữ nhưng đồng chí đã luôn bám sát công việc, năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm và có những phối hợp rất tốt nên tình hình ANTT ở địa phương ngày càng ổn định hơn...”.

Trưởng thành hơn từ khi về xã

Đó là chia sẻ của Thiếu tá Lê Thị Huyền, cô gái được sinh ra, lớn lên từ mảnh đất Hương Khê, xứ Nghệ và đã có 16 năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc. Thực hiện chủ trương tăng cường cho cơ sở, tháng 11/2021, Thiếu tá Lê Thị Huyền khi đó đang là cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP. Điện Biên Phủ) đã đề xuất với các cấp lãnh đạo xung phong về nhận công tác tại Công an xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Là xã biên giới, đối diện là cụm bản Pồn Sày, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (Lào). Đây là địa bàn từng được xác định là trọng điểm về tình hình tội phạm ma túy của tỉnh Điện Biên trong nhiều năm qua. 1.091 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó có tới hơn 60 người nghiện và nghi nghiện ma túy, hơn 100 đối tượng thuộc diện quản lý của lực lượng công an, có hàng chục người tham gia hoạt động tôn giáo và mê tín dị đoan... là những con số nằm lòng của mỗi cán bộ công an cấp xã như chị Huyền.

Vốn được đào tạo về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, 18 năm gắn bó với ngành công an (tính từ lúc vào học tại Trường Trung cấp CSND I), Huyền khẳng định: Về công tác tại địa bàn xã chính là cơ hội tốt để rèn luyện, trải nghiệm khiến bản thân mình trở nên chín chắn, điềm đạm, bản lĩnh và thực sự trưởng thành lên rất nhiều...

Thay đổi để biến khó khăn thành động lực

Sau gần 30 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, Trung tá Vũ Thị Kim Chúc, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Điện Biên đã viết đơn tình nguyện xin xung phong về xã với chức danh Phó trưởng Công an xã Sam Mứn (huyện Điện Biên). Sự thay đổi mang tính bước ngoặt này chính là quyết tâm để khẳng định giá trị bản thân - như lời chia sẻ của Trung tá Vũ Thị Kim Chúc. Chị tâm sự: Nhận nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là niềm tự  hào, cũng đồng thời là trách nhiệm và là thử thách của bản thân.

Trao đổi về Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, Đại tá Lò Văn Khụt, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công tỉnh khẳng định: Vì công việc mà bố trí người, chứ không vì người mà bố trí công việc; Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm chọn lựa, bố trí cán bộ công an xã là những người có phẩm chất đạo đức, nhân cách tốt, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản về vận động quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Hương Giang
Bình luận

Tin khác

Back To Top