Nhiều mô hình đào tạo nghề hiệu quả

06:01 - Thứ Năm, 19/05/2022 Lượt xem: 4131 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi có dịp về bản Co Hón, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng). Mỗi gia đình ở đây đều có vườn rau nhỏ đầy đủ các loại rau ăn lá, rau gia vị theo mùa. Tham quan vườn rau của gia đình chị Lò Thị Đoán, khi có đông đảo chị em hội viên phụ nữ đang tập trung làm vườn, người bắt sâu, người nhổ cỏ.

Chị Lò Thị Đoán chia sẻ: Đây là mô hình điểm của “Lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn” do Trung tâm GDNN - GDTX đang triển khai trên địa bàn để bà con trong bản học và làm theo. Qua lớp học, chúng tôi biết đến kỹ thuật trồng rau an toàn, đó là không sử dụng các loại thuốc trừ sâu gây hại đến sức khỏe con người; kỹ thuật làm đất, chăm sóc cây rau theo từng giai đoạn, đặc biệt là việc chọn giống rau và thời điểm trồng theo đúng mùa vụ để mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao... Hiện nay, hầu như hộ gia đình nào trong bản cũng có một vườn rau nhỏ phục vụ gia đình.

Mô hình “Lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn” tại bản Co Hón, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng).

Mô hình “Lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn” được triển khai lần đầu tại bản Giảng, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) vào năm 2013. Bằng hình thức đào tạo nghề thực hiện theo nhu cầu của người dân, mô hình đã khích lệ được lao động nông thôn tham gia học tập nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng; làm thay đổi tư duy và đổi mới cách thức, phương thức sản xuất, chuyển dần từ tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ thị trường. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho gia đình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đến nay, mô hình đã được triển khai nhân rộng ra hầu hết các xã; nâng tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề lên trên 90%. Mức thu nhập trung bình của các hộ sau học nghề từ 1,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như các hộ Quàng Văn Pâng, Quàng Văn Hương, bản Giảng, xã Ẳng Cang chuyên sản xuất rau vụ đông (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau). Trung bình từ 2 - 5 tấn rau/hộ/năm cho thêm thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng.

Với huyện Điện Biên Đông, do đặc thù địa hình đồi núi dốc, xác định chăn nuôi là ngành quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Điện Biên Đông tích cực vận động, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại, do đó tốc độ tăng đàn gia súc trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện đặc biệt quan tâm. Tất cả các lớp đào tạo nghề đều có mô hình thực hành và luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của đa số học viên. Trong đó chủ yếu tập trung đào tạo nghề “Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò” cho người dân tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa. Sau học nghề “Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò” học viên đã biết áp dụng kiến thức vào chăn nuôi, như: Cách làm chuồng trại; chuẩn bị thức ăn và phòng trị bệnh cho trâu bò... Như gia đình chị Lầu Thị Lia, bản Phà Só B, xã Xa Dung. Sau khi tham gia lớp học chị đã ứng dụng kiến thức vào thực tế chăn nuôi của gia đình và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có nguồn thức ăn ổn định cho chăn nuôi, chị Lầu Thị Lia tận dụng đất bờ, vạt nương trồng cỏ voi, trồng thêm cây ngô vụ ba làm thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn trong những tháng mùa đông, gia đình chị tích trữ rơm, cỏ, cây ngô ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh (viêm da nổi cục, tụ huyết trùng...) định kỳ trên đàn trâu, bò. Nhờ đó, đàn gia súc của gia đình chị Lia sinh trưởng phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện nay gia đình đang nuôi 15 con bò sinh sản và bò thịt; thu nhập từ việc nuôi bò khoảng 70 triệu đồng/năm. Từ mô hình của gia đình chị Lầu Thị Lia, bản Phà Só B, xã Xa Dung đã nhân rộng thêm nhiều hộ gia đình chăn nuôi tiêu biểu như: Sùng A Lềnh, bản Phà Só A; Quàng Thị Thiên, bản Na Lanh, xã Na Son; Sùng A Pó, bản Phì Sua, xã Phình Giàng.

Đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tập trung tổ chức đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả; đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại địa phương. Quá trình triển khai thực hiện một số nghề đã được lựa chọn để tổ chức thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, có khả năng nhân rộng tại một số huyện như: Kỹ thuật trồng và chế biến nấm (TX. Mường Lay); kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến cà phê; kỹ thuật xây dựng (huyện Tuần Giáo, Mường Ảng); Chăn nuôi lợn (TX. Mường Lay, huyện Điện Biên Đông); chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn (huyện Mường Ảng); trồng cây ăn quả (bưởi da xanh) tại huyện Mường Chà, Mường Ảng...

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Có thể nói, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều phát huy hiệu quả, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương. Tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top