Bất cập trong quản lý, sử dụng đất của nhiều tổ chức

06:46 - Thứ Bảy, 21/05/2022 Lượt xem: 4871 In bài viết

ĐBP - Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc sử dụng đất của tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã còn bất cập, vướng mắc.

Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên sử dụng đất sai mục đích theo quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh. Trong ảnh: Mặt bằng Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên cho thuê lại để kinh doanh, buôn bán hàng điện máy.

Sai mục đích sử dụng đất

Tính đến thời điểm 31/12/2021, Công ty Xăng dầu Điện Biên đang quản lý và sử dụng 52 thửa đất được phân bổ tại 32 cửa hàng xăng dầu. Về hình thức sử dụng đất, Công ty đang quản lý và sử dụng 49.208,5m2; trong đó: Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 6.630m2 và đất được Nhà nước cho thuê trả tiền nhiều lần là 42.578,5m2. Trong quá trình kinh doanh, Công ty Xăng dầu Điện Biên đã tiến hành các thủ tục mua bán, chuyển nhượng đất của các hộ gia đình, cá nhân để mở rộng diện tích kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu. Điều đáng nói là, Công ty chỉ thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng chứ không tiến hành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, hiện nay hầu hết các cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty đang kinh doanh trên diện tích đất nông nghiệp và đất ở. Trong số 32 cửa hàng xăng dầu, trừ các cửa hàng xăng dầu tại TX. Mường Lay, số còn lại đều đang sử dụng sai mục đích. Đơn cử như tại Cửa hàng xăng dầu số 1, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ), ngày 4/3/2010, Công ty Xăng dầu Điện Biên đã nhận chuyển nhượng 1 thửa đất của một hộ dân ở tổ 5, phường Him Lam với diện tích 88m2, mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị. Hợp đồng chuyển nhượng đất và tài sản trên đất giữa 2 bên có đóng dấu xác nhận của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Điện Biên Phủ. Từ năm 2010 đến nay, Cửa hàng xăng dầu Him Lam vẫn đang kinh doanh xăng dầu trên đất ở đô thị của người dân. Hoặc như cửa hàng xăng số 22 tại xã Pom Lót (huyện Điện Biên) có tổng diện tích kinh doanh xăng dầu là 765m2. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích trên đều chưa được đứng tên Công ty Xăng dầu Điện Biên. Theo báo cáo của Công ty, diện tích kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu số 22 là do Công ty đã mua bán, chuyển nhượng đất với 5 hộ, cá nhân trên địa bàn trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 4/2014.

Ông Quàng Văn Xuân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Điện Biên cho biết: “Việc hợp thửa các thửa đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn sang tên Công ty Xăng dầu Điện Biên là trăn trở của đơn vị trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của luật rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó đến nay Công ty vẫn chưa triển khai thực hiện”.

Công ty Cổ phần Thương mại du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên được UBND tỉnh cho thuê đất với tổng diện tích 0,88ha bao gồm 8 vị trí, địa điểm khác nhau thuộc địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ. Trong các vị trí được UBND tỉnh cho thuê đất, có 2 thửa đất tại xã Núa Ngam và Mường Nhà (huyện Điện Biên) chưa có giấy tờ về đất đai. Đặc biệt, đối với thửa đất tại xã Mường Nhà có tổng diện tích 300m2, khi triển khai đầu tư xây dựng Dự án đường Pom Lót - Núa Ngam - Huổi Puốc, thửa đất thuộc diện phải thu hồi, giải phóng mặt bằng. Thời điểm đó, tiến hành thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã tự ý đo đạc, kiểm đếm, đền bù và xây dựng trả lại cho Công ty 1 căn nhà 5 gian với tổng diện tích 100m2 mà không thông báo, phối hợp giữa 2 bên. Hiện nay, căn nhà 5 gian được đền bù, Công ty đang cho các hộ dân thuê làm nhà ở. Dù diện tích thực tế bị thu hẹp từ 300m2 xuống còn 100m2, song từ nhiều năm nay Công ty vẫn phải đóng tiền thuê đất với tổng diện tích 300m2.

Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên được UBND tỉnh cho thuê đất làm trụ sở tại vị trí đắc địa thuộc trung tâm TP. Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, hiện nay tại vị trí tầng 1 giáp mặt đường Võ Nguyên Giáp, Công ty đang cho doanh nghiệp thuê lại để kinh doanh, buôn bán mặt hàng điện máy. Bên cạnh đó, tại diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê để làm nhà xưởng chế biến song hiện trạng đang là nhà kho phế liệu của các doanh nghiệp tư nhân. Đến nay diện tích đất này đã hết hạn thuê đất, song Công ty vẫn chưa thực hiện các thủ tục để gia hạn.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do đó Công ty buộc phải cho thuê lại một số diện tích đất đã được UBND tỉnh cho thuê.

Công tác quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo

Bên cạnh việc các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng sai mục đích các diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê thì công tác quản lý Nhà nước về đất đai của tổ chức còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Qua cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021” đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai. Công tác quản lý đất đai của một số sở, ngành, địa phương cấp huyện, cấp xã thiếu chặt chẽ, còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa kịp thời nắm bắt được tình hình sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất chưa thường xuyên dẫn đến một số tổ chức sau khi được giao đất, cho thuê đất đã sử dụng đất không đúng mục đích theo quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, không phát huy hiệu quả sử dụng đất. Điển hình như đối với thửa đất của Công ty Cổ phần Thương mại du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên tại xã Mường Nhà, khi đoàn giám sát hỏi về nguồn gốc, hiện trạng và công tác quản lý đất đai của UBND xã Mường Nhà, đại diện lãnh đạo xã rất lúng túng và cho biết UBND xã không nắm được nguồn gốc cũng như tổ chức, cá nhân nào đang quản lý, sử dụng thửa đất trên. Nhiều năm nay, UBND xã cho rằng đấy là đất ở của người dân trên địa bàn!

Điều đáng nói là, Sở Tài nguyên và Môi trường; chính quyền các địa phương không hề hay biết những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất của tổ chức. Được biết, ngày 15/12/2021, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, tổng hợp về công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/3/2022. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp để phân loại các trường hợp vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất và đề ra hướng khắc phục, xử lý. Tuy nhiên, đến nay UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa thực hiện các phần công việc do UBND tỉnh giao.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top