ĐBP - Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Điện Biên đang triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và Xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn triển khai thực hiện Đề án 06; thành lập các tổ công tác, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các đơn vị làm sạch dữ liệu dân cư, thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, cấp định danh diện tử, phục vụ làm giàu dữ liệu; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong công an. UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, chủ động tìm giải pháp về thiết bị và hướng dẫn kỹ năng để giải quyết khó khăn do điều kiện kinh tế và trình độ tin học hạn chế của người dân vùng cao khi tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, tất cả các sở, ngành, địa phương cấp huyện, xã và 1.447 tổ dân phố, thôn, bản đã thành lập tổ công tác triển khai thực hiện Đề án. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, biện pháp, lộ trình triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 06... Nhiều mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến được thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện, như: Mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ; mô hình điểm truy cập internet công cộng tại xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé; mô hình cấp miễn phí sim điện thoại cho các đối tượng là học sinh trên địa bàn huyện Nậm Pồ khi thực hiện định danh điện tử.
Tính đến 20/5, tỉnh Điện Biên đã triển khai 23/25 dịch vụ thiết yếu theo Đề án 06 trên môi trường dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 (trong đó, công an 11 dịch vụ và ngoài ngành 12 dịch vụ); còn 2 thủ tục hành chính mới đưa lên môi trường mạng gồm liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Kết quả đã tiếp nhận và giải quyết trên môi trường mạng trực tuyến 98.326 hồ sơ; trong đó, giải quyết đúng hạn 90.693 hồ sơ, quá hạn 1.633 hồ sơ (riêng lực lượng công an 100% hồ sơ tiếp nhận đã giải quyết đúng hạn).
Trong việc thực hiện nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; công dân số, Công an tỉnh đã rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin hơn 11.500 dữ liệu từ nguồn Bộ Tư pháp và Bảo hiểm xã hội; cập nhật trên 681.000 dữ liệu tiêm chủng vào hệ thống. Đồng thời, thu nhận gần 424 nghìn hồ sơ cấp căn cước công dân; thu nhận gần 36 nghìn hồ sơ định danh điện tử; đã tiến hành làm sạch và đồng bộ vào hệ thống gần 659 nghìn dữ liệu dân cư trên hệ thống toàn tỉnh (đạt 99,99%). Trong công tác làm sạch dữ liệu, Công an tỉnh đã triển khai các giải pháp thực hiện đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; cập nhật thông tin công dân mở rộng làm giàu dữ liệu, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị. Kết quả, cập nhật chứng minh thư nhân dân 9 số vào hệ thống đạt gần 97%; xử lý thông tin công dân trùng dữ liệu trong tỉnh đạt 91,4%; xử lý thông tin công dân trùng dữ liệu ngoài tỉnh đạt 95,6%; điều chỉnh hộ không có chủ hộ đạt 97%; làm sạch gần 102 nghìn dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số đơn vị, địa phương còn chậm, chưa thực sự tích cực vào cuộc, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính. Một số chỉ tiêu làm sạch dữ liệu, thu nhận hồ sơ căn cước công dân và định danh điện tử chưa hoàn thành chỉ tiêu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nhận thức, điều kiện của người dân về công nghệ thông tin, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, do vậy việc tiếp cận với các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay toàn tỉnh còn 19 bản chưa có dịch vụ viễn thông; 83 bản chưa có dịch vụ internet di động (3G, 4G) và 175 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang). Việc tạo tài khoản dịch vụ công còn phức tạp, giao diện chưa thực sự tối ưu cho việc sử dụng bằng điện thoại di động, dẫn đến người dân khó khăn trong việc thao tác, sử dụng.