Góc nhìn tiêu điểm

Khi thiên tai trở thành… bình thường

06:32 - Thứ Bảy, 18/06/2022 Lượt xem: 3153 In bài viết

ĐBP - Mới vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra thiệt hại về người do sạt lở đất.

Thiên tai là bất khả kháng. Song chúng ta phải có giải pháp phòng ngừa. Bởi nước lũ qua mau nhưng nỗi đau còn kéo dài. Thiệt hại về tài sản có thể hồi phục được, còn thiệt hại về người thì không!

Vài năm gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, khó lường. Thậm chí năm 2022 còn có thể nói là xảy ra hình thái thời thiết dị thường khi trong tháng 5 xảy ra mưa rét. Rét trong mùa hè là điều đặc biệt. Và từ thời điểm đó đến nay, liên tục xảy ra mưa, dông. Người dân than thở: Năm nay mùa mưa đến sớm! Nhưng với cơ quan chuyên môn thì đó là điều dị thường của tự nhiên.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính gây mưa lũ, sạt lở đất nghiêm trọng thời gian qua trên địa bàn tỉnh là do biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai bất thường, không theo quy luật. Mưa lớn kéo dài làm đất đá bị “om” sũng nước, tăng các lực gây trượt đồng thời lại làm giảm lực kháng trượt. Từ đó dẫn đến sụt, trượt, sạt lở.

Nhưng có phải chỉ tự nhiên có tội? Con người có tác động, trách nhiệm gì trong các diễn biến và hậu quả thiên tai?

Công cuộc mưu sinh của người dân, nhất là người dân vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; rồi nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương; các dự án thủy điện vừa và nhỏ... đã ảnh hưởng lớn tới diện tích rừng. Nhiều cánh rừng đầu nguồn đã mất!

Nhìn lại các vụ sạt lở đất đá gây thiệt hại về người và tài sản thời gian qua, ngoài yếu tố về cấu tạo địa chất, thì phần lớn là xảy ra ở khu vực đồi núi ít rừng, rừng nghèo. Trong khi các hoạt động kinh tế, nhà ở... của người dân lại rất thiếu phương án phòng chống thiên tai. Đến địa bàn vùng cao, không khó để chúng ta bắt gặp những nhà dân ngay dưới sườn đồi, núi, bên tatuy dương, thậm chí có cả những căn nhà phía ta luy âm các con đường.

Theo rà soát, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh cần bố trí ổn định cho hơn 600 hộ dân ở vùng có nguy cơ thiên tai. Để di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, có một khó khăn không nhỏ là tập quán, thói quen sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số không muốn rời xa chốn cũ thân quen. Công tác tuyên truyền, vận động đã được tăng cường nhưng nhiều nơi chưa hiệu quả. Người dân chỉ sợ khi thiên tai xảy ra với mình. Tại nơi ở mới có nhiều vấn đề cần giải quyết, từ quy hoạch đất ở, đất sản xuất, giao thông, rồi sinh kế cho người dân tái định cư... Trong khi hiện nay, kinh phí để di dời dân cư đang thiếu trầm trọng bởi chính sách cũ đã hết thời hạn trong khi Trung ương chưa có chính sách, hướng dẫn mới!

Thiên tai diễn biến bất thường nhưng xảy ra liên tục những năm qua nên có thể nói đã trở thành... bình thường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó chúng ta cần chủ động phòng, chống sự bất thường đó với một tâm thế bình thường mới.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top