Bảo đảm an toàn vận tải hành khách trong mùa mưa lũ

06:16 - Thứ Sáu, 24/06/2022 Lượt xem: 3706 In bài viết

ĐBP - Để đảm bảo an toàn vận tải và hành khách trong mùa mưa lũ, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, đường thủy, bến xe trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, phương tiện, người điều khiển phương tiện nhằm phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch và doanh nghiệp. Các đơn vị vận tải đã quan tâm công tác xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo các kịch bản vận chuyển; phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu phối hợp của các cơ quan chức năng.

Xe khách chờ xuất bến tại Bến xe khách TP. Điện Biên Phủ.

Nhận định tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường thủy trong mùa mưa lũ. Tại các vị trí, khu vực xảy ra ngập sâu, nước chảy xiết, đề nghị các đơn vị cho phương tiện tạm dừng hoạt động chờ nước rút. Tuyệt đối không cho phương tiện lưu thông vào ban đêm khi qua các vùng ngập lụt. Thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo đến các lái xe của đơn vị về tình hình mưa lũ và có kế hoạch dự phòng phương tiện, người lái để vận chuyển khi có yêu cầu. Thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên hệ thống truyền thanh của bến xe về tình hình mưa lũ, ngập lụt để các đơn vị vận tải hành khách biết, chủ động trong công tác điều hành. Khuyến cáo chủ các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa cần nêu cao tinh thần trách nhiệm không vận chuyển hàng hóa, hành khách khi đang mưa lũ.

Hiện nay toàn tỉnh có 8 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe khách trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, các doanh nghiệp vận tải xây dựng kế hoạch, triển khai phương án tăng cường quản lý vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hợp tác xã hiện có 50 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải, đơn vị yêu cầu các nhà xe thường xuyên kiểm tra phương tiện vận tải, xử lý kịp thời sự cố và các trường hợp vi phạm. Đồng thời xây dựng các phương án vận chuyển hành khách khi mưa lũ, sạt lở đất đá xảy ra, đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện. Đến nay 100% các nhà xe thuộc hợp tác xã đã được kiểm tra, rà soát phương tiện và người lái đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển hành khách.

Công ty TNHH Thông Lan Điện Biên cũng có trên 50 đầu xe hoạt động vận tải hành khách. Ông Đặng Văn Thông, Giám đốc Công ty cho biết: Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, đặc biệt tình trạng sạt lở đất đá trên các tuyến đường, Công ty thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân và khách du lịch. Trong đó tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong quá trình hoạt động vận chuyển hành khách. Các nhà xe chở đúng số người quy định, đi đúng tuyến, hướng. Cùng với đó Công ty cử đội ngũ lái xe, phụ xe tham gia các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành về phòng chống thiên tai, mưa lũ do cơ quan chức năng tổ chức. Do đó, những năm qua, công tác vận chuyển hành khách của Công ty luôn đảm bảo an toàn ngay cả trong mùa mưa lũ.

Bên cạnh xây dựng phương án đảm bảo vận tải hành khách đường bộ, ngành Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các phương tiện đường thủy. Hiện nay, hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có 1 tuyến chính trên sông Đà. Hoạt động vận tải đường thủy nội địa vẫn mang tính tự phát, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn... tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa lũ. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, hàng năm Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về pháp luật giao thông đường thủy nội địa đến đông đảo người dân. Vận động chủ phương tiện vận tải đường thủy nội địa đăng ký tham gia các khóa đào tạo để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; thực hiện đăng ký, đăng kiểm đối với loại phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết đình chỉ không cho hoạt động đối với các phương tiện không bảo đảm kỹ thuật, không đủ thiết bị an toàn cho hành khách, chở quá số người quy định. Đến nay Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức đào tạo, sát hạch cho các thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đã cấp chứng chỉ cho 236 thuyền viên.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top