Hỗ trợ dân tộc rất ít người ổn cư, phát triển

06:38 - Thứ Ba, 28/06/2022 Lượt xem: 4536 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Si La và Cống là dân tộc rất ít người, tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa về ngôn ngữ, phong tục, tập quán… Để bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống bà con dân tộc rất ít người, Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, đưa bà con về sinh sống tập trung, ổn cư, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, bản Púng Pon được bê tông hóa tuyến đường nội bản.

Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé với 52 hộ, hơn 230 nhân khẩu. Thời gian qua, đồng bào dân tộc Si La đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đầu tư về mọi mặt nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống. Tháng 6/2021, dân bản Nậm Sin được đầu tư sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học tại điểm bản và nhà công vụ giáo viên. Gần đây nhất, đường giao thông vào bản Nậm Sin cũng được đầu tư, nâng cấp; nối liền bản với trung tâm xã Chung Chải và các vùng lân cận. Đường giao thông được cứng hóa giúp bà con Si La giao thương hàng hóa với các vùng lân cận thuận lợi hơn. Hiện nay, bản đang được đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi với tổng mức vốn hơn 1 tỷ đồng, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất.

Anh Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin chia sẻ: Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm… thì bà con được nhờ quá. Mới đây nhất, bản đã được bê tông hóa con đường từ ngoài đường nhựa vào trung tâm bản nên ai cũng phấn khởi lắm bởi việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con thuận lợi hơn. Với những thuận lợi đó, chúng tôi sẽ cùng nhau phát triển kinh tế, tập trung dựng chuồng trại để chăn nuôi trâu bò, lợn, gà. Trước đây, công trình thủy lợi cũ cấp nước tưới cho khoảng 3ha, giờ công trình được đầu tư nâng cấp phục vụ nước tưới cho 7ha ruộng lúa nước là điều kiện thuận lợi để bà con phát triển nông nghiệp. Bản Nậm Sin còn được hỗ trợ con giống gia súc, gia cầm; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi; mua phân bón, vật tư phục vụ sản xuất; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa…

Tương tự dân tộc Si La, dân tộc Cống cũng là dân tộc rất ít người, được hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn cư. Ở địa bàn Điện Biên, người Cống sinh sống ở các bản: Púng Bon, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên); Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé); bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ).

Từ năm 2011, thực hiện “Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011- 2020”, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ để bà con yên tâm ổn cư, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nhờ có Đề án, các hộ gia đình dân tộc Cống tại điểm dân cư Si Văn, bản Púng Bon đã được bố trí mặt bằng sắp xếp đất ở làm nhà theo mô hình chuẩn nông thôn mới để ổn định cuộc sống, tránh di dân tự do.

Ông Quàng Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: Điểm tái định cư mới ở dành cho đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon hiện đã có 21 gia đình chuyển về sinh sống; nâng tổng số hộ dân trong cả bản lên 56 hộ. Nhờ được hỗ trợ san mặt bằng, làm đường bê tông nội bản, nâng cấp đường điện; từng nhà, từng gia đình đều được quan tâm, hỗ trợ cây, con giống, phương tiện phục vụ sản xuất… bà con đã ổn định chỗ ăn, chỗ ở, yên tâm định cư. Giờ đây, Púng Bon đã trở thành bản tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Có được kết quả và sự chuyển biến tích cực như vậy đều nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư và hỗ trợ.

Sau nhiều năm thực hiện, đến nay một số chính sách, chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người đã hết thời gian, song Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đồng bào thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Thông qua 10 dự án thành phần đã góp phần không nhỏ vào việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nếu như không có chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung sẽ khó có được cuộc sống ấm no, ổn định như ngày nay. Bà con được đầu tư về đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường lớp học… thậm chí còn được hỗ trợ từ gói muối, mì chính, lọ dầu... Đất nước ta chưa phải giàu nhưng đã thực sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nhiều chính sách. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Ban Dân tộc đã đầu tư nâng cấp đường giao thông và sửa chữa thủy lợi bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé…

Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách và đề án hỗ trợ các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc rất ít người đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con; đại đa số bà con được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy... Qua đó xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top