Chuyển đổi số trong cải cách hành chính

06:39 - Thứ Sáu, 08/07/2022 Lượt xem: 6377 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Điện Biên đã tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo, hướng đến tiến trình chuyển đổi số toàn diện.

Điện lực TP. Điện Biên Phủ ứng dụng công nghệ thông tin trong họp trực tuyến.

Thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những mô hình, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn. Điển hình như sáng kiến “Thực hiện dịch vụ công mức độ 4 gắn với ứng dụng Zalo hoặc Viber, camera trong việc cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện và dán phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh”. Trước đây, việc cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu phải được dán cho phương tiện ngay sau khi cá nhân, tổ chức tiếp nhận từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát cá nhân, tổ chức dán phù hiệu rất khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện dịch vụ công mức độ 4 gắn với ứng dụng Zalo hoặc Viber, camera trong việc cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện… tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc nắm bắt và biết trình tự nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho đơn vị kinh doanh vận tải do không phải đưa xe đến cơ quan chức năng để dán phù hiệu lên phương tiện. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả việc thực hiện tất cả các quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục hành chính cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện.

Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai kết nối các hệ thống hạ tầng thông tin. Nhờ đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được xây dựng thống nhất, tập trung, kết nối, tích hợp với phần mềm quản lý hồ sơ công việc của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đồng thời kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và cấp huyện, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; đáp ứng việc triển khai đưa quy trình số hóa gắn với quá trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã trong tỉnh đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành và liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản đi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử đạt 100%, trong đó tổng số văn bản đi được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 98%. Cùng với đó, cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ (trên 3.500 tài khoản) và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc. Tỷ lệ kết nối chế độ báo cáo của UBND tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đạt 100%; cùng với đó, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 90%...

Một điểm nổi bật nữa trong cải cách thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (593 thủ tục mức độ 4 và 126 thủ tục mức độ 3), tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc, tăng tính công khai, minh bạch. Tổng số hồ sơ tiếp nhận (đến ngày 10/6) đạt gần 82.000 hồ sơ; trong đó đã được xử lý gần 80.000 hồ sơ. Số cơ quan, đơn vị phát sinh hồ sơ xử lý qua cổng dịch vụ công cấp tỉnh đạt 16/18 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh; cấp huyện và cấp xã đạt 100%.

Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, các cấp, ngành tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai minh bạch đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi sang xây dựng chính quyền số.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top