ĐBP - Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ các chương trình, như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững... các địa phương trong tỉnh đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cách đây chừng 5 năm, đời sống người dân ở xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) nói chung, bản Tà Hàng nói riêng còn nhiều khó khăn; trong đó, giao thông là vấn đề được nhiều bà con quan tâm. Bởi trời nắng thì đỡ, chứ mưa hoặc ảnh hưởng của thiên tai thì việc đi lại đầy trắc trở. Chưa kể mỗi khi đến thời vụ, việc giao thương hàng hóa đến trung tâm xã và các vùng lân cận của dân bản bị hạn chế nhiều. Ông Lò Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Mường Toong cho biết: Nhận thấy những khó khăn của bà con bản Tà Hàng và các bản khác trên địa bàn; xã đã kiến nghị với cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, giúp việc đi lại thuận lợi hơn. Chính vì thế, mấy năm gần đây, một số tuyến đã được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân Mường Toong có sự đổi thay đáng kể. Trong đó, phải kể đến sự vui mừng, phấn khởi của người dân bản Tà Hàng khi tuyến đường Mường Toong - Tà Hàng được đầu tư, xây dựng trong năm 2019. Từ nguồn vốn Chương trình 135, người dân bản Tà Hàng đã được đầu tư xây dựng đường bê tông nội bản dài gần 4km, mặt đường rộng 2m. Tuyến đường đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con đi lại, phát triển giao thương hàng hóa. Không những thế, mới đây, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xã Mường Toong được đầu tư xây dựng công trình đường giao thông Mường Toong - Nậm Xả với chiều dài hơn 11km, tổng mức đầu tư gần 61 tỷ đồng. Công trình hiện đang trong quá trình thi công, sau khi đi vào sử dụng sẽ góp phần thuận lợi trong quá trình đi lại của bà con nơi đây.
Thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện còn 93 xã đặc biệt khó khăn; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thực hiện Chương trình 135 là gần 40%. Nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn tỉnh, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn là một trong những việc làm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình đã hỗ trợ đầu tư xây dựng trên 360 công trình, trong đó, phần lớn là công trình giao thông, thủy lợi, trường lớp học, nhà văn hóa, điện nước sinh hoạt… Nhìn chung, các công trình sau khi được đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Bên cạnh quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua cũng được quan tâm nhiều hơn. Các dự án, tiểu dự án đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiếu số được hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, vật tư phân bón, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp. Từng bước thay đổi nhận thức chuyển từ sản xuất quảng canh sang hướng thâm canh, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi để khai thác thế mạnh từng vùng, phù hợp quy hoạch của tỉnh… Qua thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến nay, cơ bản các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiếu số đều được hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Riêng Chương trình 135/CP của Chính phủ đã hỗ trợ gần 8.000 con trâu, bò cho gần 10 nghìn hộ; trên 55 nghìn con gia cầm cho gần 1.000 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, máy móc, thiết bị sản xuất cho hàng nghìn hộ...
Không chỉ thực hiện hỗ trợ có hiệu quả cơ sở hạ tầng, các mô hình phát triển sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, các chương trình như: Chương trình 135/CP, 30a… còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ làm công tác dân tộc. Hàng năm, thông qua các lớp tập huấn, các buổi tham quan, học tập, nhiều cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở, nhất là cấp xã, bản đã nâng cao được chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tại địa phương…