ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai, giải ngân kịp thời các gói hỗ trợ, giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, gia đình ông Nguyễn Văn Tê, bản Him Lam, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) làm nghề xây dựng. Ông thường xuyên nhận làm các công trình: Xây nhà, công trình phụ của người dân trong bản và các huyện lân cận (Mường Ảng, Điện Biên…). Công việc này cho gia đình thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc bị ảnh hưởng, có thời điểm phải dừng hẳn, mất thu nhập, cuộc sống gia đình khó khăn. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành; gia đình ông Tê được vay 70 triệu thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ông dành 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại; 40 triệu đồng đầu tư mua 15 con dê giống (gồm dê trưởng thành và dê con) để nuôi. Hiện nay, đàn dê của gia đình sinh trưởng phát triển tốt; gia đình đã tự tạo việc làm ổn định.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Thu và Bùi Đức Thanh, thôn C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) cũng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm cho gia đình. Ông Bùi Đức Thanh chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 3 nhân khẩu, 2 vợ chồng và con trai vừa học xong đại học, chưa có việc làm. Ngoài làm hơn 2.000m2 ruộng gia đình chủ yếu đi phụ xây, ai thuê gì làm nấy. Từ nguồn vốn vay tín dụng giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, gia đình tôi vay 100 triệu đồng cùng với vay mượn thêm anh em họ hàng, tổng số vốn trên 300 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hươu lấy nhung. Gia đình đã đầu tư xây 10 ô chuồng, bắt 10 con hươu về gây giống. Mới triển khai nuôi được hơn 1 tháng, nhưng hiện nay đàn hươu đang phát triển rất tốt. Hi vọng nuôi hươu sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, để chúng tôi sớm trả được số tiền vay ngân hàng và cải thiện cuộc sống.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng đối với chương trình cho vay Giải quyết việc làm. Tổ chức hội nghị triển khai các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/2022/NQ-CP. Phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, tổ chức triển khai công tác hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt cho vay và giải ngân vốn tới đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát 3 đợt về đối tượng, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các chương trình tín dụng. Nhu cầu vốn đối với 5 chương trình là 556 tỷ đồng (năm 2022 là 296 tỷ đồng và năm 2023 là 260 tỷ đồng). Đến nay, đã giao chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2022, với tổng số tiền 209,1 tỷ đồng. Đến 26/6/2022, toàn tỉnh đã giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 tới 1.191 khách hàng với tổng số tiền 93.668 triệu đồng, đạt 44,8% kế hoạch giao. Trong đó, giải quyết việc làm giải ngân 73,818/100 tỷ đồng cho 1.021 khách hàng, đạt 73,8% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Nguồn vốn giao đối với chương trình tín dụng Giải quyết việc làm thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay (giao 100/187 tỷ đồng).