Sửa luật để hoạt động công chứng tốt hơn

14:25 - Thứ Ba, 12/07/2022 Lượt xem: 3872 In bài viết

Với việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã, đang phát triển với tốc độ khá cao, song lại thiếu tính quy hoạch. Thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh, đòi hỏi phải sửa luật để hoạt động công chứng được thực hiện tốt hơn.

Người dân đến làm thủ tục công chứng tại Văn phòng công chứng Hồng Hà (quận Đống Đa).

Trong hơn 7 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng, gần 60 triệu việc chứng thực; tổng số tiền nộp thuế và ngân sách nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ 70-80% số việc công chứng, giá trị phí, thù lao công chứng nêu trên là việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở…, qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn.

Đáp ứng nhu cầu thị trường, số lượng đội ngũ công chứng viên cũng tăng đáng kể. Đến nay, cả nước có 3.011 công chứng viên (383 công chứng viên của phòng công chứng, 2.628 công chứng viên của văn phòng công chứng); 1.295 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 phòng công chứng, 1.175 văn phòng công chứng. Tại 63/63 tỉnh, thành phố đều có văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ trung ương đến địa phương được thành lập, củng cố, ngày càng hoàn thiện với sự ra đời của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và 60 hội công chứng viên ở các địa phương…

Tuy nhiên, qua khảo sát, kiểm tra của Bộ Tư pháp cho thấy, đội ngũ công chứng viên tuy tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều. Việc phân bổ công chứng viên đang tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, còn các địa phương khác thì tình trạng thiếu công chứng viên vẫn thường xuyên diễn ra và chưa có giải pháp hữu hiệu. Đáng lo ngại hơn, tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập văn phòng công chứng của công chứng viên dễ dãi, thiếu kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh.

Thực tế nêu trên đòi hỏi việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các văn phòng công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, để công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Đồng thời đặt ra các cơ chế phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn.

Với vấn đề còn nhiều tồn tại hiện nay, đó là mô hình tổ chức hành nghề công chứng phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên, dẫn tới việc miễn cưỡng hợp danh; chỉ có một công chứng viên làm chủ và các thành viên còn lại chỉ là công chứng viên làm thuê được huy động lấp chỗ, gây phát sinh nhiều mâu thuẫn, Bộ Tư pháp đề xuất thêm phương án mới cho phép một công chứng viên lập văn phòng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và đang khẩn trương lấy ý kiến rộng rãi.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, hoạt động công chứng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, an toàn và ổn định trật tự của đất nước. Vì vậy, cần phải phát triển đúng mục tiêu, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng nghề công chứng. Do đó, bên cạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp sẽ quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng; làm rõ quyền, nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top