Vì mục tiêu mở rộng diện bao phủ an sinh

09:12 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 4880 In bài viết

Vì mục tiêu mở rộng diện bao phủ an sinh, giai đoạn 2022-2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung phát triển thêm hơn 8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Do vậy, ngay từ bây giờ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các bên liên quan đã tăng tốc triển khai các phần việc để hoàn thành mục tiêu đề ra.

 

 

Tư vấn về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động tự do tại quận Thanh Xuân.

Mức tăng chậm so với tiềm năng

Những năm gần đây, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không ngừng gia tăng. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 6-2022, cả nước có hơn 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 600.000 người so với cuối năm 2021. Song, mức tăng này còn chậm so với tiềm năng. Bởi, cả nước còn khoảng 34 triệu người, tương ứng với 66,13% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa được bao phủ bởi lưới an sinh thông qua chính sách bảo hiểm xã hội.

Nhằm đưa bảo hiểm xã hội đến với số đông người lao động, chính sách bảo hiểm được thiết kế ngày càng linh hoạt. Tuy nhiên, việc phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Với bảo hiểm xã hội bắt buộc, số người rời khỏi hệ thống còn cao. Những tháng đầu năm nay, mỗi tháng có hơn 70.000 người làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tương ứng 2 người tham gia mới, có một người rời hệ thống.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có dư địa phát triển lớn, hướng đến nhóm lao động làm nông nghiệp, lao động tự do cũng đối diện với không ít thách thức. Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, nhiều người lao động là đối tượng tham gia của bảo hiểm xã hội tự nguyện đi làm xa hoặc làm việc theo thời gian không cố định, khiến lực lượng chức năng không dễ tiếp cận với họ để tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, từ năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo tăng lên, tương ứng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng, thấp nhất là 330.000 đồng/người/ tháng, tăng hơn 2 lần so với mức đóng của năm 2021, nên một bộ phận người dân dù muốn có tên trên hệ thống an sinh vẫn chưa thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Theo Kế hoạch số 1813/KH-BHXH, ngày 6-7-2022 về khai thác, phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 19,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến cuối năm 2025, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên 25,33 triệu người, đạt 47,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, trong giai đoạn này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phát triển thêm hơn 8 triệu người tham gia và trước mắt 6 tháng cuối năm 2022, cần phát triển thêm hơn 2 triệu người.

Nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngành Bảo hiểm xã hội chủ động triển khai nhiều giải pháp, nhằm thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao Ban Quản lý thu - sổ, thẻ xây dựng quy trình mới về khai thác, phát triển số người tham gia tại các đơn vị sử dụng lao động.

“Căn cứ vào dữ liệu của đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có thể nắm rõ những trường hợp chưa có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội, từ đó phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động”, Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ Dương Văn Hào cho hay.

Bảo hiểm xã hội nhiều tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trình HĐND thông qua chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người lao động. Chẳng hạn, tại Hà Nội, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, trong đó có mức hỗ trợ thêm khoản tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022-2025 với kinh phí gần 182 tỷ đồng.

“Việc hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhiều nhóm đối tượng là yếu tố quan trọng để người dân rộng mở cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ Trần Văn Hoan nhấn mạnh.

Chị Trần Thị Tám, bán hàng tại chợ Văn La, phường Phú La (quận Hà Đông) chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ mức đóng hằng tháng, số tiền người dân phải thực đóng không nhiều. Mỗi ngày, tôi sẽ tiết kiệm 10.000 đồng để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Giải pháp quan trọng khác được ngành Bảo hiểm xã hội tập trung triển khai là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi chính sách bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến với đông đảo người dân tiếp tục được triển khai. Chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam André Gama đánh giá, phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội là giải pháp tốt nhất để mở rộng diện bao phủ an sinh, nên các bên liên quan cần tập trung, tăng tốc để thực hiện.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top