Ngành Tư pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

16:25 - Thứ Ba, 19/07/2022 Lượt xem: 3669 In bài viết

ĐBP - Ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

6 tháng đầu năm, ngành Tư pháp đã bám sát sự chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác được giao, phù hợp với tình hình kinh tế -xã hội của đất nước và từng địa phương; hoàn thành 63/94 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Từ số liệu thống kê cho thấy, kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của ngành Tư pháp đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật, như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự với 730.000 vụ việc đã thi hành trong 6 tháng đầu năm; tiếp nhận, thực hiện trên 29.000 vụ việc trợ giúp pháp lý. Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển được tăng cường.

Hội nghị cũng nhìn nhận công tác xây dựng luật, pháp lệnh tại một số bộ, ngành còn hạn chế. Cụ thể: Vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn trình Chính phủ, có dự án luật phải lùi thời hạn trình Quốc hội, có dự án luật chưa bảo đảm chất lượng. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa cao; việc xử lý văn bản trái pháp luật sau khi có kết luận kiểm tra vẫn còn chậm; số án hành chính đang phải thi hành còn nhiều. Hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, như: Công chứng, đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật…

Những tháng cuối năm 2022, khắc phục tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được nhận diện trong thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp xác định 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu. Cụ thể: Tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn nhiệm vụ, linh hoạt điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành triển khai thực hiện các kế hoạch công tác. Tăng cường công tác tự kiểm tra gắn với việc động viên, khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top