Để gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống tốt hơn

08:26 - Thứ Năm, 21/07/2022 Lượt xem: 4784 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc và tri ân người có công trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, ăn sâu vào tâm trí, đời sống nhân dân các dân tộc. Qua các hoạt động nghĩa tình, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, từ đó đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đoàn viên, thanh niên Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao quà cho gia đình chính sách trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Thương binh Khoàng Văn Xóm bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) là một trong số rất nhiều người có công hiện đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách. Ông cho biết, sau khi nhập ngũ năm 1959, tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào), năm 1964, ông bị thương nặng, được đưa về nước điều trị và xuất ngũ sau đó với mức độ thương tật 44%. Thấy mình đủ sức khỏe và mong muốn tiếp tục được cống hiến cho Đảng, Nhà nước, về địa phương, tham gia nhiều hoạt động, từng giữ các chức vụ: Đội trưởng đội sản xuất, Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND xã, đến năm 1998 về nghỉ hưu. Từ đó đến nay, mỗi dịp lễ tết, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ông Xóm đều được các cấp, ngành, đoàn thể xã hội đến thăm động viên, quan tâm, trao nhận nhiều phần quà. “Truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta bao đời nay vẫn nguyên vẹn các giá trị. Trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nhiều năm qua tôi vẫn động viên, răn dạy con cháu, vận động người thân trong gia đình, dòng họ phải luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, đồng thời không ngừng vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội” - thương binh Khoàng Văn Xóm chia sẻ.

Không chỉ thương binh Khoàng Văn Xóm, nhiều năm qua, bằng trách nhiệm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc cùng các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công... Việc duy trì và đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa nhân dân các dân tộc. Qua các phong trào, hoạt động tình nghĩa thiết thực từ thôn bản, xã, phường, cộng đồng dân cư... đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết hơn 140 hồ sơ người có công; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã nhận được sự đóng góp ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân với số tiền trên 14 tỉ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng 65.500 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; hỗ trợ gần 400 hộ làm nhà, sửa nhà ở. Đặc biệt, nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được nhân rộng ở các khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào này; gần 100% gia đình chính sách có mức sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có trên 16.000 hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; trong đó, gần 1.200 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Cùng với thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công cũng được duy trì thường xuyên. Hầu hết người có công và thân nhân được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và điều dưỡng người có công với cách mạng. Hàng năm có gần 200 người là đối tượng người có công với cách mạng đến điều dưỡng tại Trung tâm Tiếp đón và Điều dưỡng người có công của tỉnh. Với những đối tượng người có công già, yếu khi có nhu cầu được cán bộ y tế điều dưỡng đến thăm, khám sức khỏe tại gia đình. Cùng với đó, con của đối tượng chính sách người có công cũng được ưu tiên trong việc thi tuyển, tạo việc làm. Hiện nay, có 540 đối tượng là con của người có công đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và khi theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Làm tốt các chính sách người có công với cách mạng là hoạt động thiết thực, thể hiện nghĩa cử cao đẹp và truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chăm sóc người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Do vậy, để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ; giải quyết kịp thời, đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi người có công; giải quyết dứt điểm những tồn đọng về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; mở rộng phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khuyến khích động viên, tạo điều kiện để họ là những người gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục phát huy truyền thồng cánh mạng hào hùng của dân tộc trong thời kỳ mới.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top