Khó đảm bảo giao thông mùa mưa lũ ở vùng cao

08:27 - Thứ Sáu, 29/07/2022 Lượt xem: 4134 In bài viết

ĐBP - Hàng năm, vào mùa mưa lũ, giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng cao thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá, cầu cống... gây ách tắc giao thông. Do nguồn lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; nhiều điểm sạt lở lớn, thường xuyên nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.

Tuyến đường vào trung tâm xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé thường xuyên xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông. Trong ảnh: Công ty TNHH Đại Phong Điện Biên hót sụt sạt, đảm bảo giao thông bước 1.

Mỗi khi mùa mưa lũ đến, các tuyến giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn huyện Điện Biên Đông lại rơi vào tình trạng sạt lở, trơn trượt và lầy lội, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Tuyến đường Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất sau đợt mưa lớn kéo dài vừa qua. Mặt đường nhiều điểm bị biến dạng, lầy lội và trơn trượt. Nhiều tuyến đường khác trên địa bàn huyện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như: Ngã tư Phì Nhừ - Xa Dung, Phì Nhừ - Chiềng Sơ, Phình Giàng - Pú Hồng...

Theo ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông, hiện nay toàn huyện có 12 tuyến giao thông do huyện quản lý, tổng chiều dài gần 230km; trong đó chỉ có hơn 45% tuyến đường được rải nhựa hoặc bê tông hóa, còn lại là đường đất và cấp phối. Chính vì vậy, từ đầu mùa mưa đến nay, toàn huyện có gần 100 điểm sạt lở, với khối lượng lên đến hơn 140.000m3. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý huy động máy móc, khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, do địa hình chủ yếu là đồi núi, địa chất không ổn định, do đó mỗi khi mưa lớn kéo dài, tình trạng sạt lở đất đá, làm xói mòn mặt đường thường xuyên xảy ra gây ách tắc giao thông cục bộ khiến việc đi lại, giao thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có điểm sạt lở lực lượng chức năng vừa khắc phục hôm nay thì mai lại bị. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa, nâng cấp cho các tuyến đường còn rất hạn chế.

Tương tự, tại huyện Mường Nhé từ đầu mùa mưa lũ đến nay nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên bản bị sạt lở đất đá, đứt gẫy đường với chiều dài khoảng  967m, khối lượng 30.000m3, gây thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.

Ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Huyện đang quản lý 158,6km đường giao thông (trong đó có 21,5km tỉnh lộ), các xã quản lý 243,96km đường giao thông liên thôn, bản, nội đồng. Để đảm bảo giao thông mùa mưa lũ, huyện đã xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông các tuyến đường năm 2022 với phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, tập trung chỉ đạo, xác định rõ các điểm thường xảy ra, bố trí máy móc và phương tiện trực sẵn sàng ứng phó. Tại một số đoạn đường, một số khu vực xảy ra sạt lở, UBND huyện kịp thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nhanh chóng khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, trong quá trình đảm bảo giao thông gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn, chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương nên nhiều tuyến đường mặc dù đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, như: Tuyến liên xã Mường Toong - Huổi Lếch; Nậm Kè - Pá Mỳ, với tổng chiều dài trên 40km. Vì vậy, vào mùa mưa tại các tuyến đường này thường xuyên sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.

Từ đầu mùa mưa năm 2022 đến nay, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã xảy ra sạt sụt ta luy dương với khối lượng ước tính khoảng gần 227.000m3, ách tắc cống rãnh dọc trên 13.600m3, hư hỏng 44 cầu cống... Riêng các tuyến đường huyện, xã, thôn, bản xảy ra sạt lở hàng trăm nghìn khối đất đá; nhiều tuyến đường ách tắc giao thông trong nhiều ngày, như: Tuyến đường vào trung tâm xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé), tuyến đường vào xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông)… Ước tính thiệt hại trên 41 tỷ đồng, gần bằng thiệt hại cả năm 2021.

Tại các khu vực sạt lở, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện phân luồng giao thông từ xa; lắp đặt biển báo, rào chắn tại các khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quản lý đường bộ huy động nhân lực, máy móc tập trung khắc phục sự cố sạt lở, ngập úng. Đồng thời xếp trên 4.300 kè rọ thép thực hiện bảo đảm giao thông bước 1 theo quy định, không để ách tắc giao thông xảy ra lâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lũ và khó khăn về nguồn lực nên công tác bảo dưỡng, duy tu hạ tầng giao thông chưa được kịp thời, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top