ĐBP - Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.
Để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Tủa Chùa đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Điển hình là mô hình “Ngôi nhà xanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Tủa Chùa xây dựng tại bản Bó, bản Bó Én với 80 thành viên. Tham gia mô hình, các hội viên vận động gia đình dọn vệ sinh xung quanh nhà; phân loại rác thải để xử lý. Rác thải được phân loại thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Từ khi mô hình hoạt động đến nay, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong bản được nâng lên, tạo thành phong trào, lan toả đến từng hộ gia đình.
Tại huyện Nậm Pồ phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường cũng được triển khai tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình.
Bà Lầu Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ cho biết: Hội tuyên truyền, triển khai tới từng hội viên tham gia vào cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”; phong trào thi đua “Mỗi hội viên nông thôn có một vườn rau sạch và nuôi từ 10 con gia cầm trở lên”… Hiện nay, việc phân loại rác thải được hội viên thực hiện ngay tại nhà, theo tiêu chí: Đối với các loại rác hữu cơ gom lại ủ thành phân bón, các loại túi nilon thu gom lại đốt tại hố rác gia đình; các loại rác có thể tái chế như vỏ chai nhựa, giấy, được gom lại bán cho cơ sở thu gom. Thực hiện phân loại rác tại gia đình đã giúp việc xử lý rác trên địa bàn hiệu quả hơn nhiều.
Một trong những khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải hiện nay là nhiều người dân cho rằng việc phân loại rác là công việc của công nhân công ty vệ sinh môi trường mà chưa có ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt. Thói quen của nhiều người là tất cả các loại rác - bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng, các loại rác khác hầu hết không được phân loại mà thường để lẫn lộn. Tất cả rác có khả năng phân hủy và khó phân hủy được bỏ chung một túi hoặc thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Nếu có phân loại thì chỉ là lựa chọn vỏ chai nhựa, giấy để bán cho cơ sở thu gom.
Nói về việc phân loại rác, chị Đỗ Thanh Hiền, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh chia sẻ: Việc phân loại rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức. Hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không dùng được thì vứt đi, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện… Trong quá trình đi thu gom hàng ngày, tôi gặp nhiều rác thải các loại đều được gom chung vào túi nilon. Với lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì gộp tất cả các loại rác như vậy khiến việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực. Luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Điểm mới của Luật (sửa đổi) là yêu cầu phải có sự vào cuộc đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và từng người dân trong bảo vệ môi trường. Luật cũng đã cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người dân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Và thay vì thu tiền thu gom rác thải theo cách “cào bằng” hiện tại, người dân sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Đặc biệt, rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng sẽ không phải trả phí; trường hợp phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác thải phát sinh. Quy định này sẽ giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại và xả thải rác.