Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm

08:19 - Thứ Tư, 03/08/2022 Lượt xem: 3688 In bài viết

ĐBP - Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các quy định pháp luật về VSATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có ý thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đặc biệt, yêu cầu về chất lượng vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng được nâng lên cũng tác động lớn tới ý thức của người sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng liên ngành kiểm tra VSATTP trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.864 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc ngành Y tế quản lý. Việc đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành liên quan chú trọng thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về VSATTP được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các nội dung về đảm bảo an toàn thực phẩm đến người dân. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tổng kết công tác an toàn thực phẩm và triển khai kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022; tổ chức 369 buổi tuyên truyền trực tiếp với 5.957 lượt người nghe. Đồng thời, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, kiểm nghiệm các loại thực phẩm có nguy cơ mất VSATTP được cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành tiến hành thường xuyên, nhất là trong các dịp lễ hội, cuối năm, các sự kiện quan trọng đông người. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập 274 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thực hiện kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với 12 ban chỉ đạo VSATTP các cấp. Kết quả các cơ sở được kiểm tra đều thực hiện tốt quy định về công tác quản lý, cũng như đảm bảo VSATTP. Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tuyến tỉnh, huyện, xã thực hiện kiểm tra 3.054 cơ sở; kết quả có 3.047 cơ sở đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm (chiếm 99,8%); số cơ sở không đạt yêu cầu 7 cơ sở (chiếm 0,2%). Qua kiểm tra, đoàn đã phạt tiền 7 cơ sở với số tiền 11,6 triệu đồng và hủy sản phẩm tại 2 cơ sở với 4 loại sản phẩm. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu về hàng hóa hết hạn sử dụng, người tham gia chế biến không mặc trang phục bảo hộ lao động, cơ sở sản xuất không có kệ kê thực phẩm theo quy định.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thực hiện lấy mẫu thử nhanh an toàn thực phẩm đối với 2.362 mẫu; trong đó, số mẫu đạt yêu cầu chiếm 99,9% và 3 cơ sở không đạt yêu cầu, chủ yếu do vệ sinh bát đĩa chưa sạch. Thực hiện giám sát 1.052 bữa ăn sự kiện tại cộng đồng với 154.709 lượt người tham dự. 100% các bữa ăn được kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 2 ca mắc (không có trường hợp tử vong) trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Nguyên nhân do ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu.

Khó khăn trong công tác đảm bảo VSATTP hiện nay là đội ngũ cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm tại tuyến tỉnh và huyện còn thiếu; cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, theo thời vụ, sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình nên việc áp dụng các chế tài xử phạt gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại các tuyến được huy động tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh nên việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, khó khăn. Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo VSATTP, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để có thể lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn; nói không với thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top