Góc nhìn - Tiêu điểm

Không ăn thịt lợn ốm

07:01 - Thứ Bảy, 06/08/2022 Lượt xem: 2864 In bài viết

ĐBP - Con lợn nhỡ của nhà ông Pánh bỏ ăn hai hôm rồi chết. Hai con cùng đàn thì vẫn khỏe mạnh, ăn tốt. Vài người bảo ông Pánh làm thịt con lợn cùng ăn vì “chắc là nó bị ốm do thời tiết nóng quá thôi!” Nhưng ông Pánh lại đi báo cho trưởng bản biết. Trưởng bản gọi thú y viên đang phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa mùa ngoài đồng về bản để kiểm tra. Chân vẫn đi đôi ủng còn lấm bùn ruộng, anh thú y viên xem xét một hồi rồi cho biết không thấy biểu hiện của các bệnh như tai xanh hay dịch tả lợn châu Phi mà anh đã được tập huấn. Trưởng bản quyết định phải chôn con lợn chết, không cho mấy người kia mổ thịt ăn. Với sự chứng kiến của trưởng bản và thú y, ông Pánh sai con đào hố, rắc vôi chôn con lợn cạnh bụi tre ở góc vườn.

Vài năm nay, nhất là từ khi xảy ra dịch tai xanh, tả lợn châu Phi nhiều người trong bản cũng như ông Pánh, không ăn thịt lợn ốm chết nữa. Trước đây, gia súc, gia cầm bị ốm hay chết thì họ vẫn mổ thịt chia nhau ăn. Không ăn được thì vứt ra suối, kênh mương chứ cũng không chôn lấp.

Người dân thay đổi nhận thức là điều tốt. Vừa đảm bảo an toàn sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nâng cao hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh động vật (nếu có) lây lan ra diện rộng. Nhất là đối với dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi. Loại vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao, có khả năng tồn tại khắp nơi: Dưới nền, trên vách tường chuồng trại, bám vào bụi, rác, trong nước... Nếu không phòng ngừa tốt thì mầm bệnh dễ có cơ hội tái phát lại thành dịch.

Còn nhớ trước đây dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên địa bàn toàn tỉnh đã làm hơn 5.600 hộ chăn nuôi bị thiệt hại khi phải tiêu hủy hơn 23.560 con lợn. Sau khi dịch được khống chế, chăn nuôi tại nhiều địa bàn đã phục hồi, phát triển ổn định. Song dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn xuất hiện rải rác.

Theo thống kê của cơ quan thú y tỉnh, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2022 đã có gần 270 hộ chăn nuôi ở 128 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 33 xã, phường bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn phải tiêu hủy trên 1.100 con với trọng lượng hơn 68 tấn.

Tuy tỷ lệ lợn bị mắc bệnh rất thấp, số lượng bị tiêu hủy chỉ chiếm gần 0,4% tổng đàn (theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh, tổng đàn lợn 303.502 con) song đã gây thiệt hại đối với từng hộ chăn nuôi cụ thể. Và đó là nguy cơ mà ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường hướng dẫn người dân các giải pháp phòng ngừa.

Vì sao dịch tả lợn châu Phi vẫn tái phát?

Như đã đề cập, loại vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao, lây lan nhanh, thời gian qua chưa có thuốc chữa. Công tác phòng chống chủ yếu là đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng; chăn nuôi an toàn sinh học; không được vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch... Song nhận thức của Nhân dân các dân tộc không đồng đều. Dù tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhưng không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Đến nay cũng chưa khắc phục được nuôi lợn thả rông, nhất là ở địa bàn vùng cao. Có nơi, khi lợn ốm chết người dân không báo ngay cho chính quyền hay thú y. Cùng với đó, mầm bệnh đã lưu hành rộng, tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ. Trong khi hiện nay hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm trên 95% nên khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Mạng lưới thú y cơ sở còn yếu nên công tác giám sát, quản lý dịch bệnh chưa tốt.

Nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ cao tái phát và phức tạp. Nhất là những tháng cuối năm việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh phục vụ cho dịp tết dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chúng ta không được chủ quan, bởi dịch bệnh chưa kết thúc.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top