Ghi ở Tả Ló San

07:11 - Thứ Bảy, 06/08/2022 Lượt xem: 5748 In bài viết

ĐBP - Bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé) cách trung tâm huyện khoảng 70km, nằm trọn vẹn trong “chóp nhọn” trên cùng của bản đồ Điện Biên, là điểm cực Bắc của tỉnh, giáp với huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, Tả Ló San được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm với nhiều chính sách đặc thù...

Cán bộ Tổ công tác Tả Ló San (Đồn Biên phòng Sen Thượng) tuyên truyền đến đoàn viên, người dân về bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Dũng

Giữ vững vành đai biên giới   

Trở lại Tả Ló San sau gần 10 năm, cảm nhận của chúng tôi đó là sự đổi thay tích cực về cơ sở hạ tầng, đời sống, dân cư nơi đây. Những ngôi nhà vách đất của người Hà Nhì năm nào đã được thay thế bằng nhà gỗ, xây, mái tôn vững chãi; 100% đường nội bản được bê tông hóa; mạng di động (Viettel) đã phủ sóng 4G chứ không còn cảnh quay ngược ra mỏm núi cách bản 5km để “hứng sóng” như trước đây. Gặp ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản - Trưởng bản Tả Ló San đầu tiên và giữ chức này 19 năm (bàn giao cho trưởng bản mới năm 2020). Chia sẻ với chúng tôi, ông Chừ khẳng định: Các anh đi công tác vùng biên hay thấy tấm biển “Khu vực biên giới”, nhưng ở đây, theo quan điểm của tôi và dân bản, Tả Ló San là “vành đai biên giới”. Các anh tìm hiểu trên các văn bản pháp luật sẽ thấy! Theo lời ông Chừ, tôi “google seach” luôn, được biết: “Vành đai biên giới được định nghĩa tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền như sau: Là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào, được thiết lập nhằm quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; nơi hẹp nhất 100m, nơi rộng nhất không quá 1.000m, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Sau khi thấy tôi xác minh khái niệm “vành đai biên giới”, ông Chừ tiếp lời: Tôi xin phép không đi chi tiết vào chuyên môn về địa giới hành chính, khoảng cách quy định... mà muốn nói về mặt tinh thần, ý thức, người dân bản luôn xác định mỗi người là một “cột mốc sống” giữ vững chủ quyền lãnh thổ với 3 mốc quốc giới (từ mốc 14 đến mốc 16), không vi phạm pháp luật và tham gia vào các hoạt động kiểm soát, duy trì an ninh - trật tự địa bàn. Cũng chính vì điều này, dù là bản ở khu vực sâu, xa bậc nhất của tỉnh nhưng Tả Ló San luôn được Nhà nước, chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng, sinh kế, khuyến khích người dân an cư, mở rộng quy mô dân số bằng những chính sách thuộc diện tốt nhất. Số hộ của bản cũng tăng từ 12 hộ năm 2013 lên 26 hộ, 96 khẩu năm 2022.

“Triệu phú” rừng

Điểm đặc biệt ở Tả Ló San đó là rừng phòng hộ bao quanh bản rộng tới hơn 2.755ha, trong đó hầu hết là rừng nguyên sinh, dưới tán là hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú. Còn nhớ năm 2013, khi chúng tôi đến Tả Ló San, có một nhóm 3 người là nghiên cứu sinh cũng đang ở bản; họ đến, ăn, ở và làm đề tài khoa học bảo vệ luận án tiến sĩ về chủ đề sinh thái - môi trường. Khi được hỏi: Tại sao không chọn những khu vực thuận lợi hơn như Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc chí ít là Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé để thực hiện đề tài mà lại chọn Tả Ló San - một nơi xa xôi, cách trở bậc nhất cả nước như vậy? Một anh trong nhóm trả lời: “Ban đầu chúng tôi cũng không xác định sẽ đến đây, nhưng qua trao đổi với lực lượng bộ đội biên phòng, chúng tôi được biết, Tả Ló San là một “khu bảo tồn” không chỉ về sinh thái rừng mà còn nhiều nội dung đặc biệt về thổ nhưỡng, địa lý, con người... Đến đây, quả thực là như vậy, đề tài chúng tôi sẽ có những điều khác biệt, tạo ấn tượng lớn hơn đối với Hội đồng Đánh giá và bảo vệ luận án”.  

Trở lại sau nhiều năm, thêm một điều chúng tôi cảm thấy vui mừng là “lá phổi xanh” quanh bản Tả Ló San vẫn tươi tốt như năm nào. Bìa rừng cách khu dân cư chỉ khoảng 300m nhưng có nhiều thân cây lớn, tán rậm rạp và dù bìa rừng ở gần con người nhưng theo quan sát của chúng tôi, những loài động vật như sóc, chim vẫn chọn nơi này để sinh sống. Theo ông Lỳ Khò Chừ, rừng Tả Ló San hiện nay không chỉ mang ý nghĩa về bảo tồn thiên nhiên, đảm bảo sinh thái, giữ đất đai mà còn đóng vai trò về kinh tế thiết thực cho dân bản. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tả Ló San tính theo đầu người cao nhất tỉnh. Cụ thể, năm 2021, bản được hưởng hơn 2,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; đến năm nay, mỗi khẩu được hưởng 18 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi hộ 6 khẩu trở lên sẽ hưởng từ trên 100 triệu đồng/năm từ rừng - một khoản tiền mà những hộ ở vùng sâu, vùng xa không đơn giản để làm ra được. Trao đổi với Lỳ Sơn Phạ - công dân mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về Tả Ló San sinh sống, lập nghiệp, tôi nói vui: Phạ về quê là thành “triệu phú” ngay rồi nhỉ? Vì tiền hỗ trợ quân nhân xuất ngũ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, rồi các khoản hỗ trợ hộ nghèo, vùng vành đai... tính ra cả trăm triệu. Em có “kế hoạch tiêu tiền” chưa? Lỳ Sơn Phạ thật thà cho biết: Có tiền nhưng chỉ biết tiêu thì nhiều mấy cũng hết thôi anh ạ! Em đang tính nâng cấp cái nhà (nhà do Bộ Công an tài trợ xây dựng cho hộ nghèo) cho vợ con sinh hoạt được rộng rãi hơn, rồi mua con trâu giống để góp với hộ chăn nuôi trâu theo hình thức trang trại dưới tán rừng; mua gạo, thực phẩm hàng ngày. Trước mắt thế đã anh ạ!

Một góc bản Tả Ló San. Ảnh: Trần Hữu

Đôi điều băn khoăn...

Theo thống kê của UBND xã Sen Thượng, bản Tả Ló San hiện nay có 26 hộ, 96 nhân khẩu, số hộ nghèo là 17, chiếm tỷ lệ 65% và 3 hộ cận nghèo; người dân bản canh tác, sản xuất 16ha ngô, 4,2ha lúa (chủ yếu là lúa nương, lúa nước rất ít); cả bản có 130 con trâu, bò, trong đó 6 hộ nuôi theo mô hình trang trại khoanh nuôi dưới tán rừng. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở Tả Ló San vẫn còn cao. Theo chia sẻ của Trung tá Phạm Văn Phan, Tổ công tác Tả Ló San (Đồn Biên phòng Sen Thượng): Trước đây, bộ đội biên phòng đã có chương trình hỗ trợ người dân Tả Ló San khai hoang ruộng nước nhằm tăng năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực nhưng sau vài năm, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, chương trình thất bại nên ruộng nước ở bản gần như không có. Còn vấn đề hộ nghèo thì theo tôi được biết, tiền bà con nhận được từ dịch vụ môi trường rừng không tính vào thu nhập để bình xét hộ nghèo. Vì thế, có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, mỗi khẩu trong độ tuổi lao động thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng nhưng vẫn là hộ nghèo. Ở cùng dân bản, tôi không có ý phê bình bà con nhưng cũng thấy hơi ái ngại khi có những hộ hiện nay đúng là “không làm mà vẫn có ăn”. Ruộng không làm thì lấy tiền dịch vụ môi trường rừng mua gạo nấu cơm, nấu rượu; không chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh gì ra tiền nhưng con đi học đã có Nhà nước lo vì là hộ nghèo. Như vậy liệu có “nhàn cư vi...”?! Ừ thì thế hệ này - những người ổn cư ở bản thì biết vậy nhưng còn con cháu họ rồi đến lúc cũng phải “sải cánh bay xa” khỏi làng bản mà mang nặng tư tưởng “được hỗ trợ tuyệt đối” thì không ổn, không tồn tại được!

Trao đổi những băn khoăn này với ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, ông Giá cho biết: Có nhiều lí do khiến tỷ lệ hộ nghèo ở Tả Ló San cao nhưng nguyên nhân lớn nhất là hiện nay bản chưa có điện lưới quốc gia, dẫn đến các chỉ số khác như tiếp cận thông tin, thiết chế văn hóa... theo chuẩn nghèo đa chiều của các hộ không đủ điểm thoát nghèo. Chứ “triệu phú” mà nhà không có cái tivi xem, không có cái tủ lạnh để bảo quản thực phẩm... thì chưa thoát nghèo được! Còn về vấn đề sinh kế, phát huy tính tự lực của người dân thì chúng tôi đã bàn thảo, triển khai cả chục năm nay rồi. Năm nào cũng có các đợt vận động khai hoang ruộng nước, phát triển đàn gia súc nhưng chưa triệt để được. Giờ thêm khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại thu nhập cao, thú thật với các anh là chúng tôi vừa mừng vừa... lo! Vừa qua, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng đã tổ chức vận động cụ thể từng hộ: Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng (2 đợt/năm) hãy tái đầu tư vào chăn nuôi, mua ít nhất một con trâu giống, rồi nuôi theo mô hình liên kết, tạo thặng dư. Chứ tiền biến thành gạo, cơm ngay thì chả mấy mà hết.

Phạm Dương
Bình luận

Tin khác

Back To Top