ĐBP - Điện Biên là một trong những tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với số dân dưới 10.000 người sinh sống (dân tộc rất ít người). Trong những năm qua, cùng với việc triển khai nguồn lực đầu tư của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội gắn với chính sách đối với đồng bào DTTS, tỉnh ta tích cực ưu tiên các chính sách đặc thù, hỗ trợ, tạo điều kiện tối ưu để đồng bào các dân tộc rất ít người phát triển, nhằm tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển bền vững.
Theo số liệu hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số thời điểm 30/6/2022, tỉnh ta có 1.652 người DTTS có số dân dưới 10.000 người; trong đó, dân tộc Cống 1.268 người, dân tộc Si La 183 người, dân tộc Phù Lá 201 người. Đây là những DTTS rất ít người, điều kiện kinh tế khó khăn, là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Họ tập trung ở một số địa bàn vùng cao tại các huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ. Theo đánh giá chung, chất lượng dân số của người DTTS rất ít người đang từng bước được cải thiện, các chỉ số sức khỏe của người dân được nâng lên cùng với chất lượng dân số của toàn tỉnh. Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở khu vực đồng bào DTTS rất ít người được lồng ghép với chương trình mục tiêu y tế - dân số. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại các khu vực đồng bào DTTS rất ít người sinh sống không có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra.
Dù đã có những bước phát triển tích cực song thực tế tại các khu vực có đồng bào DTTS sinh sống thì tình hình kinh tế phát triển vẫn không đồng đều, các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…) vẫn còn tồn tại. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến công tác dân số ở vùng đồng bào các DTTS rất ít người gặp nhiều trở ngại. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DTTS rất ít người phát triển, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 560 về bảo vệ và phát triển các dân tộc dưới 10.000 người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc giai đoạn 2020 - 2030, lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh; kế hoạch số 928 về bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030 thuộc lĩnh vực y tế. Với mục tiêu chung là hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các DTTS rất ít người cả về số lượng và chất lượng, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giảm 70% tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết; giảm tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà xuống còn 25%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 10%...
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được đề ra. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng dân tộc về cung cấp dịch vụ KHHGĐ và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc ngành Y tế theo chuyên môn và phân tuyến, cụ thể hóa các mục tiêu y tế của ngành, của tỉnh trên địa bàn các địa phương. Nội dung, phương thức truyền thông, vận động được xây dựng phù hợp với đồng bào DTTS rất ít người; nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên ở các xã và các thôn bản có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống. Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích, các mô hình thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dân số các DTTS rất ít người...
Cùng với đó, thông qua các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực (kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa...), vấn đề nâng cao sức khỏe và chất lượng dân số đối với các DTTS rất ít người được quan tâm. Những chính sách trên cũng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc rất ít người phát triển, hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc rất ít người được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Các nhu cầu về y tế, thông tin được đáp ứng; trẻ em được đến trường, học tập, rèn luyện, giảm dần các tệ nạn xã hội. Thời gian tới, để chất lượng dân số các DTTS rất ít người ngày càng được nâng cao, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào DTTS. Khi xây dựng và triển khai chính sách dân số cần lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.