Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

07:24 - Thứ Tư, 10/08/2022 Lượt xem: 4819 In bài viết

ĐBP - Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những di chứng, ảnh hưởng của nó để lại vẫn đang gây ra nỗi đau cho hàng triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, những năm qua cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, tỉnh ta đã tích cực huy động các nguồn lực để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Từ đó, kịp thời khích lệ, động viên nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, nỗi đau bệnh tật để vươn lên ổn định cuộc sống.

Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên).

Toàn tỉnh hiện có hơn 230 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, 184 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia hoạt động kháng chiến và 47 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Do thường xuyên bị đau ốm, bệnh tật, nhiều trường hợp bị dị tật, nhận thức kém, không thể tự sinh hoạt và chăm sóc bản thân nên cuộc sống của hầu hết nạn nhân chất độc da cam/dioxin hết sức khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Cảm thông với nỗi đau, sự mất mát mà các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ phải gánh chịu, kịp thời hỗ trợ giúp họ vơi bớt khó khăn, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, hướng dẫn các đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được nhận trợ cấp hàng tháng; thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ cho nạn nhân chất độc da cam. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 4 mức trợ cấp hàng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, mức trợ cấp cao nhất là trên 81% với số tiền 3.703.000 đồng/tháng cùng với tiền phụ cấp và chế độ trợ cấp cho người phục vụ; mức còn lại là 61 - 80% với số tiền là 2.891.000 đồng/tháng, từ 41 - 60% với số tiền 2.062.000 đồng/tháng và từ 21 - 40% với số tiền 1.234.000 đồng/tháng. Đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có 2 mức trợ cấp là trên 81% với số tiền 1.624.000 đồng/tháng và từ 61 - 80% với số tiền 974.000 đồng/tháng. Bên cạnh việc được nhận chế độ trợ cấp hàng tháng, nạn nhân chất độc da cam còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe; vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) còn được lãnh đạo tỉnh và các địa phương đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình khắc phục khó khăn, vượt qua nỗi đau da cam.

Ông Đoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ: Để có điều kiện thăm hỏi hội viên khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời, hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Hội đã tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay đóng góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam. Từ nguồn vận động ủng hộ hàng năm, Hội đã kịp thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, Hội đã tổ chức trao tặng hàng trăm suất quà cho hội viên với tổng số tiền lên tới gần 150 triệu đồng. Từ số tiền ủng hộ đóng góp của hội viên, vừa qua Hội đã hỗ trợ 3 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo và Điện Biên xây dựng nhà vệ sinh với số tiền 4 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trao tặng xe lăn, xe lắc cho nạn nhân chất độc da cam; tổ chức cho hội viên đi điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh, đi xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022), Hội sẽ tổ chức gặp mặt toàn thể cán bộ, hội viên để ôn lại truyền thống, đồng thời phối hợp với các đơn vị trao tặng hơn 200 suất quà động viên các nạn nhân chất độc da cam.

Quan tâm chăm lo cho các nạn nhân da cam, hàng năm Hội Chữ thập đỏ tỉnh đều triển khai thực hiện hiêu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Hội đã vận động và trao tặng gần 80 suất quà cho nạn nhân da cam với mức tiền từ 300 - 500 nghìn đồng/suất. Mới nhất, trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) vừa qua, Hội đã phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng 125 suất quà và 20 con trâu sinh sản cho các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Mỗi suất quà trị giá 600 nghìn đồng, trâu có giá trị là 15 triệu đồng/con, đây là hoạt động hết sức ý nghĩa vừa bày tỏ được tấm lòng tri ân, vừa giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống.

Trở về địa phương sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông Lường Văn É, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo đã không may đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vì vậy, các con ông khi chào đời đều mang trong mình di chứng của chất độc hóa học. Trong 5 người con của ông, 1 người đã mất khi vừa sinh, 3 người bị dị tật không thể tự sinh hoạt và chăm sóc bản thân, chỉ còn người con trai tuy sức khỏe bình thường nhưng khi lấy vợ sinh con đã để lại di chứng mắc bệnh hiểm nghèo thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị. Mặc dù ông và các con đều được nhận trợ cấp hàng tháng nhưng do thường xuyên bệnh tật, ốm đau nên cuộc sống hết sức khó khăn. Chia sẻ với khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống. Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và Chi hội Tuần Giáo đã hỗ trợ gia đình ông É 6 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh để tiện cho việc tắm rửa, chăm sóc các con, cháu bị ốm đau...

Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã kịp thời hỗ trợ, động viên các nạn nhân chất độc da cam phấn đấu vươn lên. Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam. Từ đó, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tiếp thêm nghị lực để họ vượt qua mặc cảm, khó khăn trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top