Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

08:26 - Thứ Tư, 10/08/2022 Lượt xem: 4844 In bài viết

ĐBP - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kinh phí hạn chế, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và quyết tâm cao của các trung tâm đào tạo nghề trong tỉnh, những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Người dân bản Lói 1, xã Mường Lói (huyện Điện Biên) áp dụng kiến thức vào mô hình trồng nấm sau khi được đào tạo.

Để công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trong đó, bám sát nguyện vọng, nhu cầu người học và nhu cầu thị trường lao động, tổ chức đào tạo chủ yếu các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: Chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn, cho trâu bò và gia cầm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; trồng thâm canh cây ăn quả… Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường và thực hiện đào tạo theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động. Sau đào tạo nghề, nhiều người đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Mùa Chớ Sùng, bản Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) là trường hợp điển hình. Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, gia đình anh Sùng mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây chuồng trại, mua con giống. Nhờ áp dụng tốt kiến thức tiếp thu được từ lớp học, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên đàn trâu, bò của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh Sùng có 6ha đất sản xuất trồng cỏ chăn nuôi với 65 con trâu, 30 con bò. Với mô hình phát triển kinh tế này không chỉ giúp gia đình anh Sùng thoát nghèo, mà hàng năm đã tạo việc làm cho 15 lao động theo mùa vụ mức thu nhập từ 3 - 4  triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Sùng còn giúp đỡ các hộ nghèo, anh em trong bản về giống, vật nuôi trị giá trên 30 triệu đồng không lấy lãi.

Bằng những giải pháp thiết thực, lao động tham gia học nghề có sự tăng lên về số lượng, trình độ tay nghề được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo. Đồng thời, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn cũng từng bước được chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 5.441 lao động, tăng 21,59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,13% kế hoạch.

Trong đó, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo việc làm cho 1.484 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh khoảng 1.733 lao động; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10 lao động; thông qua các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác 2.214 lao động. Bên cạnh đó, tuyển mới đào tạo nghề cho cho 3.321 lao động, tăng 45,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chia theo cấp trình độ đào tạo, gồm: Cao đẳng 105 người; trung cấp 113 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 3.103 người. Hơn 80% số lao động sau đào tạo biết áp dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, địa phương.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, ngoài việc vượt chỉ tiêu kế hoạch giao thì điểm nhấn đáng chú ý là sự thay đổi trong nhận thức của người lao động tham gia học nghề. Nếu như trước đây, nhiều người lao động đăng ký chỉ để được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ sinh hoạt phí thì đến nay, cơ bản người lao động đã nhận thức rõ, tham gia học nghề sẽ giúp họ thay đổi cách nghĩ, lối làm ăn cũ để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ đó, trên địa bàn đã có nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế của lao động nông thôn đã qua đào tạo, có hiệu quả cao, như: Mô hình trồng nấm, chăn nuôi ở các xã Mường Lói, Thanh An, Thanh Hưng (huyện Điện Biên); mô hình chăn nuôi lợn ở xã Mường Toong (huyện Mường Nhé); mô hình chăn nuôi gia súc ở thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà)…

Từ nay đến năm 2025, mục tiêu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra thực hiện tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/7/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh, mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, tạo việc làm mới cho 8.700 lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế từ 65% - 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 40%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; lồng ghép các chương trình, dự án để nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất; giúp người lao động tìm việc làm sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top