Bắt buộc dán thẻ thu phí ETC khi đăng kiểm xe ô tô

15:40 - Thứ Tư, 10/08/2022 Lượt xem: 3918 In bài viết

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh với ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC), Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh là bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; báo cáo Bộ trước ngày 30-8-2022.

Nhân viên VETC dán thẻ cho khách hàng tại trạm thu phí.

Từ ngày 1-8-2022, đã có 10 tuyến cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến, gồm Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hạ Long - Vân Đồn, Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận. Các trạm BOT trên quốc lộ sẽ chỉ còn một làn thu phí hỗn hợp.

Khi các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ có thể đối diện mức phạt từ 1-2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Trường hợp xe có dán thẻ thu phí ETC nhưng không đủ điều kiện, như số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

* Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam - VDTC (thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Tập đoàn Viettel) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về hiện tượng thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) tiếp tục bị đấu nối, dán chồng thẻ lên xe đã đăng ký dịch vụ ePass của VDTC.

Theo VDTC, có rất nhiều trường hợp xe đã được đấu nối thẻ định danh ePass nhưng Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) vẫn tiếp tục mời chào và đấu nối thêm thẻ VETC. Cụ thể, trong tháng 5-2022, có 3.400 xe bị dán chồng thẻ. Từ ngày 1-6 đến 31-7-2022, tiếp tục phát sinh thêm 12.637 xe đã sử dụng dịch vụ ePass bị đấu nối, dán chồng sang thẻ VETC. Lũy kế tính đến thời điểm ngày 31-7-2022, tổng đã có 39.954 xe ePass bị đấu nối, dán chồng sang thẻ VETC và gây thiệt hại lên tới 6,7 tỷ đồng.

"Việc dán chồng thẻ của VETC khi khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ ePass là vi phạm Điều 10 của Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (quy định một phương tiện chỉ được đấu nối với 1 tài khoản giao thông, 1 thẻ định danh); cạnh tranh không lành mạnh, không tuân thủ quy chế phối hợp trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ ETC; gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội về nhân lực, chi phí và gây hiểu nhầm tới các chủ phương tiện về kết nối liên thông", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhìn nhận.

Ngoài ra, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, khi dán 2 thẻ trên cùng 1 phương tiện sẽ làm xung đột về kỹ thuật, gây lỗi khi xe qua trạm do không nhận và đọc được đúng thẻ. Việc này cũng gây khó khăn trong việc hậu kiểm, đối soát và làm ảnh hưởng đến trải nghiệm, niềm tin và phản ứng tiêu cực của các chủ phương tiện về hệ thống, chất lượng dịch vụ khi lưu thông qua các trạm thu phí ETC.

Từ các ảnh hưởng và hệ lụy trên, Tập đoàn Viettel đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo yêu cầu Công ty VETC dừng ngay việc đấu nối, dán chồng thẻ lên các phương tiện đã sử dụng dịch vụ ePass của Công ty VDTC sai quy định, nghiêm túc tuân thủ quy chế phối hợp trong hợp đồng kết nối liên thông đã ký kết và có chế tài xử lý đối với hành vi đấu nối, dán chồng thẻ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top