Những người vượt qua nghịch cảnh

07:18 - Thứ Năm, 11/08/2022 Lượt xem: 6372 In bài viết

ĐBP - Đã 47 năm trôi qua kể từ khi đất nước hòa bình nhưng những di chứng của chiến tranh, những nỗi đau chất độc da cam/dioxin vẫn là nỗi ám ảnh hiện hữu đối với nhiều gia đình, nhiều người lính tham gia chiến đấu trở về. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều người lính bị nhiễm chất độc da cam giàu nghị lực vươn lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Ông Vũ Ngọc Ước (bên trái), nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), Bí thư Chi bộ thôn Việt Thanh trò chuyện, nắm bắt tình hình dân cư trên địa bàn.

Trong tiết trời giao mùa tháng 8, với cái nắng dịu mùa thu, tôi tìm đến gia đình ông Vũ Ngọc Ước, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), một tấm gương điển hình về ý chí và nghị lực vươn lên nghịch cảnh. Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình. Tháng 5/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 19 tuổi Vũ Ngọc Ước lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Nam và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1976, ông phục viên trở về sinh sống tại mảnh đất Điện Biên Phủ. Đến năm 1979, ông tái ngũ tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng do sức khỏe suy giảm nên năm 1980 ông xuất ngũ trở về quê hương và mang trên mình những di chứng chiến tranh, nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 45%. Trở về địa phương, ông Ước đã đảm nhiệm rất nhiều công việc như kế toán Hợp tác xã Thanh Chăn 1 (nay là xã Thanh Hưng), cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã. Được cấp ủy và đảng viên tín nhiệm, ông được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Hưng (từ năm 2002 - 2013). Sau khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Việt Thanh.

Vừa chia sẻ về những tâm huyết trong quá trình công tác, ông Ước vừa đưa tay chỉ cho tôi hướng con đường phía trước. “Để có con đường dài 800m rộng rãi, sạch đẹp như này, tôi đã vận động, tuyên truyền các hộ dân trên trục đường tự nguyện hiến đất mở rộng đường làng ngõ xóm. Cùng sự tích cực tuyên truyền, tôi nêu gương đi đầu hiến 30m2 đất để bà con tin tưởng. Từ đó, các hộ dân đều nhất trí hiến đất, trung bình mỗi hộ hiến khoảng 20m2, với tổng số đất hiến mở rộng đường là 1.400m2” - ông Ước cho biết.

Với 8 năm đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ, ông Ước thuộc nằm lòng từng ngõ xóm, nóc nhà, thấu hiểu từng hoàn cảnh của người dân thôn Việt Thanh. Mang theo bản lĩnh, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ về nơi cư trú, ông hăng hái bắt tay vào việc của cộng đồng dân cư như là việc của chính bản thân, gia đình mình. Không quản nắng mưa vất vả, ông Ước đi đến từng nhà trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ đó, bộ mặt thôn xóm “thay da đổi thịt”, nhà cửa khang trang, đời sống người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từ 13/143 hộ năm 2020 (khi thôn Việt thanh được sáp nhập từ thôn Việt Hưng và Thanh Mai theo Nghị quyết 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII) đến nay giảm xuống còn 9/143 hộ.

Phấn khởi với những đổi thay tại thôn Việt Thanh và tạm biệt ông Ước, tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội 6 (Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh), một tấm gương lao động sản xuất giỏi. Trải qua thời gian chiến đấu tại 3 chiến trường (chiến trường miền Nam, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc), do ảnh hưởng chiến tranh, ông Hồng bị thương và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin 61%. Do sức khỏe không đảm bảo, có thời điểm cơ thể chỉ nặng 40kg, ông Hồng xuất ngũ vào tháng 7/1981. Trở về địa phương và xây dựng gia đình, niềm vui lớn lao của ông Hồng là cả 3 người con sinh ra đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, kinh tế gia đình khó khăn, ông luôn trăn trở làm sao để đưa kinh tế gia đình phát triển đi lên để đảm bảo lo cho các con được ăn học đầy đủ. Chăm chỉ với đồng ruộng, ông gom góp đồng vốn ít ỏi để đầu tư mua máy xay xát và chăn nuôi lợn, sau một thời gian, có nhiều gia đình phát triển mô hình này nên việc duy trì mô hình máy xay xát của gia đình ông gặp khó khăn. Ông lại tính toán và quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung đầu tư cây cảnh. Sau gần 20 năm kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh; trong đó, tập trung chủ yếu đầu tư cây đào cảnh, hiện tại gia đình ông có gần 700 gốc đào, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng. Với sự kiên trì, chịu khó vươn lên phát triển kinh tế nên vợ chồng ông đã nuôi các con ăn học cơ bản. Đến nay, cả 3 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội 6 (Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh) chăm sóc vườn đào cảnh.

Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế của gia đình, ông Hồng cho biết: Bản thân là bệnh binh, lại bị nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe yếu. Vì vậy, tôi suy nghĩ và lựa chọn mô hình trồng cây cảnh để phát triển kinh tế gia đình để phù hợp với sức khỏe và lại đem lại hiệu quả kinh tế.     

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hồng còn là hạt nhân tích cực trong tham gia công tác xã hội ở địa phương. Sau khi xuất ngũ trở về sinh sống tại quê hương, được sự tín nhiệm của nhân dân trong thôn, ông được bầu giữ chức thôn trưởng từ năm 2000 đến 2013. Trong suốt 13 năm giữ chức thôn trưởng, ông luôn là người cán bộ gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con về mô hình phát triển kinh tế gia đình mình để mọi người học tập.

Cùng với ông Ước, ông Hồng, nhiều nạn nhân chất độc da cam khác vẫn đang hàng ngày vượt qua nỗi đau về thể xác, những cơn đau âm ỉ, dai dẳng như “mọt” xương hay ảnh hưởng đến thần kinh, đầu óc quay cuồng, choáng váng mỗi khi thời tiết thất thường nhưng không vì thế mà họ nản trí. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Phần lớn hội viên đang sinh hoạt đều ở nông thôn đi xây dựng vùng kinh tế mới nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù mang trong mình nỗi đau da cam, sức khỏe suy giảm nhưng nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, gương mẫu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; trở thành những tấm gương sáng vượt lên nghịch cảnh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top