Vũ Anh Dũng
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
ĐBP - Cách đây 15 năm, ngày 1/6/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND về việc thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông tỉnh Điện Biên. Đến năm 2008, tiếp nhận thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí - xuất bản và đổi tên thành Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Từ đây, Sở TT&TT thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, của tỉnh. Ngày đầu thành lập, Sở TT&TT chỉ có 2 cán bộ, công chức (Giám đốc và Phó Giám đốc). Đến tháng 12/2007, bộ máy tổ chức của Sở có 5 phòng chức năng với 20 biên chế. Chi bộ những ngày đầu thành lập có 9 đảng viên. Trải qua 15 năm hoạt động, Sở TT&TT đã có sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ với tổ chức bộ máy hoàn thiện, 49 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (trong đó, 5 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 23 đồng chí có trình độ đại học); 26 đồng chí trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (trong đó, 9 đồng chí trình độ lý luận cao cấp) cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cơ quan, của ngành trong tình hình mới. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm và phát triển. Đảng bộ hiện có 41 đảng viên, sinh hoạt tại 4 chi bộ trực thuộc. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực TT&TT từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực chuyên ngành, nổi bật là: Bưu chính, viễn thông; công nghệ thông tin (CNTT); báo chí - xuất bản; thông tin đối ngoại...
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử
Xác định việc phát triển và ứng dụng CNTT là khâu “then chốt” trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; Sở TT&TT luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, CNTT đồng bộ, rộng khắp, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số của tỉnh. Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 98,9% thôn/bản trên địa bàn tỉnh; hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88% cấp thôn/bản; 129/129 xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm, cung cấp dịch vụ cho hơn 50.000 thuê bao internet băng rộng cố định trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh được kết nối liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản điện tử đạt trên 95%. 100% cơ quan Nhà nước đã có cổng/trang thông tin điện tử. Đặc biệt là Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc.
Tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Điện Biên
Vượt lên những khó khăn của ngày đầu thành lập, đến nay ngành TT&TT Điện Biên đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên lĩnh vực TT&TT. Sở đã tích cực, chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch công tác thông tin đối ngoại tỉnh Điện Biên; tuyên truyền quảng bá ASEAN; các chương trình phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới của tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan có ấn phẩm báo chí, trang thông tin điện tử và hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, con người, lịch sử văn hóa, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các ngành dịch vụ đặc trưng của tỉnh gắn với các sự kiện của tỉnh, của đất nước.
Điện Biên cũng là tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Các cơ quan báo chí của tỉnh không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý và sản xuất nội dung, xuất bản chương trình. Tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí, 7 cơ quan báo chí Trung ương đặt Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; 15 cơ quan có xuất bản bản tin và 38 cổng/trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động; 10 Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và 108/129 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh cấp xã (đạt tỷ lệ 83,7%, trong đó có 30 Đài ứng dụng CNTT-VT). Các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực này đã thực hiện tốt trong việc chuyển tải thông tin thiết yếu, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh về vùng đất, con người Điện Biên tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Tự tin vững bước
Phát huy những thành tựu đạt được qua 15 năm xây dựng và phát triển, Sở TT&TT Điện Biên tiếp tục “Đoàn kết - trí tuệ - đổi mới” quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sở tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới theo hướng ứng dụng các công nghệ mới; đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn liền với cải cách hành chính góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan, góp phần chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp, phát triển Trung tâm dữ liệu của tỉnh phục vụ chính quyền số; bổ sung và nâng cấp hạ tầng kết nối, thiết bị, dữ liệu đảm bảo nguyên tắc hoạt động 24/7. Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh nhằm từng bước tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu của cơ quan Nhà nước các cấp và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu tham mưu quản lý hiệu quả thông tin báo chí, thông tin trên mạng xã hội. Tích cực tham mưu đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng bảo vệ nền tảng quan điểm tư tưởng của Đảng, Nhà nước cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh uy tín của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao.