Pa Ít quên đi nỗi buồn cũ

06:47 - Thứ Bảy, 13/08/2022 Lượt xem: 5862 In bài viết

ĐBP - Từ bến đò Huổi Lóng (xã Na Sang) đi thuyền xuôi dòng Nậm Mức chúng tôi đến bản Pa Ít (xã Huổi Mí). Đây là bản nghèo nhất, thuộc xã nghèo nhất huyện Mường Chà với nhiều cái không: Không điện, không đường, không nước sinh hoạt. Đã có thời gian, Pa Ít là điểm nóng của huyện về tệ nạn xã hội, nghiện ma túy, HIV/AIDS, khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu tìm cách xóa bỏ. Dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng Pa Ít hôm nay đang dần thay đổi, khang trang, sạch đẹp hơn.

Nhu cầu đi lại bằng đường thủy của người dân Pa Ít ngày càng tăng vì thuận tiện, rút ngắn thời gian hơn đi đường bộ.

Sau gần 1 giờ đi thuyền, chúng tôi đã đặt chân lên bản Pa Ít. Mặc dù đã được thông tin trước nhưng tôi vẫn bất ngờ vì độ hoang sơ, vắng vẻ, tuềnh toàng của bản làng nơi đây. Những ngôi nhà tranh tre tạm bợ chiếm đa số; người dân trong bản chủ yếu là người già, trẻ em và những phụ nữ gầy guộc, bởi thanh niên trai tráng đều đã đi làm ăn xa. Trưởng bản Khoàng Văn Thắng chia sẻ: Bản Pa Ít có 57 hộ với 316 nhân khẩu, 100% là người Khơ Mú, gần như nghèo toàn tập. Vào bản chưa có đường ô tô mà chỉ là đường mòn, việc đi lại rất vất vả, chưa đầy 20km nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới ra được trung tâm xã, mùa mưa bản bị cô lập hoàn toàn. Từ khi thủy điện Long Tạo đi vào hoạt động, nước suối Nậm Mức dâng, người dân chủ yếu đi lại bằng đường thủy thuận tiện, rút ngắn được thời gian chỉ mất gần 1 giờ đồng hồ.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nên đời sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi. Trong bản đã có điểm trường mầm non, tiểu học. Thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ chăn nuôi, người dân trong bản đã học được cách chăn nuôi, thay đổi tập quán canh tác. Hiện nay, cả bản có trên 40 con trâu, 20 con lợn, trên 200 con gia cầm; ngoài hơn 20ha lúa nương, người dân đã tăng diện tích trồng sắn lên trên 15ha. Đời sống cải thiện, một số hộ đã làm được nhà sàn khang trang, chủ động lắp điện năng lượng mặt trời, điện nước để nâng cao đời sống. Như hộ Khoàng Thị Hà đã mở cửa hàng tạp hóa, dịch vụ xay xát thóc gạo phục vụ người dân trong bản.

Chúng tôi đến thăm Điểm trường Tiểu học Pa Ít, cô giáo Tòng Thị Liên - người đã có trên 10 năm công tác gắn bó với bản vùng cao này. Cô Liên tâm sự: Đây là lần thứ 2 tôi cắm ở bản Pa Ít. Lần đầu vào năm 2011, so với cách đây hơn chục năm thì đời sống người dân đã khá hơn nhiều. Trước kia 100% ngôi nhà trong bản đều tạm bợ, tranh tre dột nát; người dân chủ yếu ăn cơm độn sắn và mỗi năm có từ 3 - 4 tháng thiếu đói. Bà con không quan tâm đến việc ăn mặc, học hành của con cái, nhiều đứa trẻ 5 - 6 tuổi vẫn trần truồng, đầu tóc cả năm không biết đến dầu gội. Học sinh đến lớp chỉ người không, không sách, không vở, không bút, người lấm lem bùn đất, cô giáo phải tắm gội, cắt tóc và thay quần áo cho... Đến nay thì khác, nhận thức của người dân đã thay đổi, quan tâm đến việc học hành của con cái hơn; bắt đầu chăn nuôi, trồng rau, tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống. Thấy cô giáo trồng rau xanh tốt, nhiều người trong bản đã đến hỏi “Cô giáo trồng rau kiểu gì mà tốt thế?”. Thấy vậy mình lại hướng dẫn bà con cách làm đất, đánh luống; bảo họ phải tưới nước, bón phân thường xuyên để rau xanh tốt. Hiện nay, các hộ gia đình gần trường học đều trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Tiêu biểu như hộ gia đình Thào Văn Đạo ngay đây này!

Vườn rau của cô và trò Điểm trường Tiểu học Pa Ít.

Có lẽ cũng do đặc thù mà hiếm nơi nào lại có trường hợp chồng là trưởng bản, vợ là bí thư chi bộ như ở Pa Ít. Bởi đây là 2 người có trình độ học vấn cao nhất bản. Anh Khoàng Văn Thắng, học hết cấp 2; chị Lù Thị Xuân có bằng cử nhân chuyên ngành sư phạm mầm non. Đồng chí Mùa A Lù, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Mí cho biết: Pa Ít là bản nghèo nhất, xa xôi nhất của xã. Nhiều năm liền Pa Ít giữ vị trí dẫn đầu về số người nhiễm HIV/AIDS. Cao điểm nhất là năm 2012, phát hiện 10 cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS. Những năm qua cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng cũng mất nhiều thời gian, công sức để truyền thông, hướng dẫn nhân dân thay đổi hành vi. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ người nghiện, người có “H” đã được kiểm soát, kiềm chế, không có các ca phát sinh mới. Pa Ít luôn nhận được sự quan tâm của các phòng, ban, đoàn thể trong huyện, chính quyền xã. Mới đây (cuối tháng 6), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Chà phối hợp với Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Câu lạc bộ Thiện nguyện Ước mơ xanh, nhà thiết kế Hoàng Hải (thành phố Hồ Chí Minh) cùng các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho các hộ gia đình bản Huổi Ít, Pa Ít. Trong đó 57/57 hộ dân bản Pa Ít được tặng quà, mỗi suất quà gồm: 200.000 đồng, gạo, dầu ăn và một số nhu yếu phẩm cùng quần áo, vở viết cho các em học sinh. Ngoài ra, xã cũng luôn ưu tiên các chương trình xã hội hóa cho Pa Ít như: Thông qua kết nối của Hội LHPN tỉnh, bản Pa Ít được đầu tư xây dựng 1,3km đường bê tông từ bến đò lên đầu bản; đã hoàn thiện việc khảo sát, dự kiến khởi công vào thời gian tới. Tới đây theo chủ trương của huyện, xã Huổi Mí sẽ triển khai dự án trồng cây mắc ca vào bản Pa Ít, nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Rời Pa Ít, những hình ảnh những mái nhà tranh tre nứa lá liêu xiêu; người phụ nữ gầy mòn, ngồi bên bậu cửa như nỗi ám ảnh... Vẫn biết, Pa Ít đang dần thay đổi; đã nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các chương trình, dự án; người dân cũng đang dần thay đổi. Nhưng cần hơn nữa những sự quan tâm của cả xã hội, sự nỗ lực lớn hơn của dân bản. Để “nỗi buồn” xưa chỉ còn là dĩ vãng...

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top