Mường Ảng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

08:12 - Thứ Hai, 15/08/2022 Lượt xem: 3092 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Mường Ảng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đưa địa phương trở thành một trong những điểm sáng, tiêu biểu của tỉnh về phát triển BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm vì quyền lợi của người lao động và nhân dân, được Nhà nước bảo hộ. Tham gia BHXH tự nguyện. người lao động được hưởng quyền lợi khi hết tuổi lao động. Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Thì giờ đây, nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên mức cao hơn. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó.

Xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHXH huyện Mường Ảng đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông. Trong đó, xác định tổ chức hội nghị trực tiếp tuyên truyền tại các tổ, bản là chủ yếu. Đồng thời, phát động phong trào thi đua mỗi công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH là một tuyên truyền viên tích cực, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tranh thủ thời gian được nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần đi đến từng hộ gia đình, cụm dân cư nơi để vận động tuyên truyền.

Cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, BHXH huyện Mường Ảng đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Với cách làm này, những khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ. Thông qua già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân, con, cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó số người tham gia BHXH tự nguyện tăng. Từ đầu năm đến nay, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện 47.333 người. Trong đó, tham gia BHXH tự nguyện 910 người, tăng 110 người (13,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Chị Lò Thị Loan người dân xã Mường Lạn chia sẻ: Qua thông tin từ lãnh đạo và các tuyên truyền viên BHXH huyện, tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện có lợi ích rất thiết thực khi người tham gia vừa có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế, đó sẽ là chỗ dựa cho người dân khi hết tuổi lao động. Mức đóng và thời gian đóng cũng linh hoạt, phù hợp điều kiện của bản thân, nên tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho mình và người thân gia đình. Tôi thấy đây là chính sách thiết thực, mang lại nhiều ý nghĩa cho người dân.

Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc BHXH huyện Mường Ảng cho biết: Mức đóng và mức hưởng BHXH tự nguyện tỉ lệ thuận với nhau, đóng càng cao thì sau này người dân được hưởng lương hưu hàng tháng càng cao. Do đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu tăng mức đóng tối thiểu thì người dân sẽ có được những lợi ích gì về sau này. Thời gian tới BHXH huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người lao động để họ hiểu tầm quan trọng của BHXH tự nguyện, được xem như “của để dành” khi về già. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển ứng dụng bảo hiểm số (VssID) nhằm minh bạch hóa thông tin của người tham gia BHXH, tạo niềm tin cho người dân, tích cực tham gia BHXH tự nguyện.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top