Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ bảo hiểm

08:28 - Thứ Tư, 17/08/2022 Lượt xem: 4225 In bài viết

ĐBP - Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, thế nhưng tình trạng chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn làm thất thu cho quỹ BHXH.

Những năm qua, HTX Thủ công Mỹ nghệ Anh Minh (TP. Điện Biên Phủ) luôn quan tâm đến các chế độ bảo hiểm cho người lao động. Trong ảnh: Người lao động HTX Thủ công Mỹ nghệ Anh Minh chế tác sản phẩm.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 929 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT và BHTN của người lao động với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng, bao gồm: Nợ BHXH hơn 14,3 tỷ đồng; nợ BHYT 1,27 tỷ đồng và nợ BHTN hơn 360 triệu đồng. Trong đó có 718 doanh nghiệp nợ chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng với số tiền 5,6 tỷ đồng và 211 đơn vị, doanh nghiệp nợ kéo dài trên 3 tháng với tổng số tiền 10,4 tỷ đồng. Điển hình là Công ty cổ phần Công trình giao thông tỉnh nợ 74 tháng với số tiền 1,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Linh nợ 82 tháng, với số tiền 236 triệu đồng; Công ty Cổ phần Lạc Hồng Điện Biên nợ 33 tháng, với 282 triệu đồng; Công ty cổ phần POWER ELECTRIC nợ 40 tháng với tổng số tiền 269 triệu đồng...

Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng các loại tiền bảo hiểm như: Khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thua lỗ, không có khả năng nộp BHXH; tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trong nhiều năm khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; nhiều lao động chưa được tiếp cận đầy đủ và nhận thức đúng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm.… Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn thực sự thì một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; có đơn vị sử dụng lao động chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí. Ngoài ra, chế tài xử phạt chưa tương xứng hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi chưa nghiêm cũng khiến cho hành vi trốn đóng BHXH vẫn còn tiếp diễn.

Trước thực trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài của hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan chức năng đã thông báo, nhắc nhở, đôn đốc nợ bảo hiểm tới người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động (nợ từ 3 tháng trở lên). Trong đó, nêu rõ các chế tài xử phạt nếu chậm đóng bảo hiểm, lộ trình dừng gia hạn thẻ nếu không khắc phục nợ; mức lãi phạt chậm. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp với thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp, đơn vị. Theo thống kê của BHXH tỉnh, từ năm 2018 đến tháng 6/2022, BHXH tỉnh đã tổ chức 401 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 866 lượt doanh nghiệp, đơn vị. Qua đó đã thu về quỹ BHXH, BHTN 8,5 tỷ đồng và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 205 triệu đồng.

Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ BHXH có chiều hướng gia tăng, diễn ra ở nhiều đơn vị doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, người tham gia BHXH. Trong khi đó, chế tài xử lý hiệu quả chưa cao; cơ chế xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chưa đủ sức răn đe. Theo BHXH tỉnh, thời gian tới phân loại đơn vị nợ theo tháng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng doanh nghiệp; thông báo và thực hiện khóa thẻ BHYT đối với các đơn vị nợ BHYT trên 30 ngày. Đối với những doanh nghiệp nợ trên 3 tháng, tham mưu tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo xử lý nợ. Thiết lập hồ sơ đề nghị thanh tra đột xuất; phối hợp với công an thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất với các đơn vị nợ kéo dài. Đồng thời, công khai, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đơn vị nợ đọng.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong việc được thụ hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội từ BHXH; bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Cùng với đó, người lao động tại các doanh nghiệp cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, chủ động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top