Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

13:58 - Thứ Tư, 17/08/2022 Lượt xem: 4699 In bài viết

Ngày 17-8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trước khi ban hành Công điện 03, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức một số hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó tập trung vào các nội dung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ tư, thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. 

Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.

Thứ sáu, giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top