Cuộc sống mới ở vùng cao

07:18 - Thứ Sáu, 19/08/2022 Lượt xem: 6203 In bài viết

ĐBP - Trước đây, đời sống của người dân các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, dự án hỗ trợ, đời sống của người dân các địa phương đã và đang đổi thay từng ngày…

Những con đường ở bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên được kiên cố hóa bằng bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Cách trung tâm xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) hơn 3km, bản Púng Bon là nơi sinh sống của 54 hộ, 251 nhân khẩu người dân tộc Cống - một trong số những dân tộc rất ít người của tỉnh Điện Biên. Để đến được nơi này, từ trung tâm xã Pa Thơm chỉ mất chừng 15 phút trên con đường êm thuận. Ngay từ xa, chiếc cầu treo kiên cố vắt ngang dòng Nậm Núa nối Púng Bon với thế giới bên ngoài đã sừng sững hiện ra. Đi vào sâu thêm chút nữa, có thể dễ dàng nhận ra các tuyến đường đã được bê tông hóa phẳng lì. Bên cạnh những nếp nhà gỗ kiên cố ở Púng Bon, một vài ngôi nhà xây khang trang, lợp tôn xanh, đỏ đang dần mọc lên… Nếu như không thấy núi non trùng điệp, nhiều người sẽ đoán rằng đây là cảnh tượng của bản vùng lòng chảo Điện Biên chứ không phải xa xôi tận miền biên viễn. Nhìn sự đổi thay đó, ít ai nghĩ được rằng chỉ khoảng hơn chục năm về trước thôi, bà con ở đây gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài và được biết đến là điểm “nóng” về ma túy.

Trưởng bản Púng Bon Lò Văn Hiệp chia sẻ: “Cuộc sống bà con ở đây chỉ thực sự thay đổi kể từ khi có các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đặc thù cho đồng bào Cống. Trước tiên là đầu tư đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm y tế... Cùng với đó là cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ, đảng viên thường xuyên bám bản, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách trồng lúa nước, lúa nương, chăm sóc gia súc, gia cầm... Kinh tế ổn định nên tệ nạn, nhất là ma túy đã giảm hẳn. Bà con cũng quan tâm tới chất lượng cuộc sống hơn. Cơ bản nhà nào cũng có xe máy phục vụ đi lại, tivi và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt là trẻ trong bản đều được đi học đầy đủ, đúng độ tuổi. Thống kê cuối năm 2021 vừa qua, bản chỉ còn 20 hộ nghèo; không còn nhà tạm, dột nát…

Bên ngôi nhà khang trang mới hoàn thành đầu năm nay, Nạ Thị Thoan - một người dân bản Púng Bon không giấu nổi niềm vui. Thoan chia sẻ: “Bản này có mấy ngôi nhà xây thôi. Căn to đẹp nhất là của một hộ kinh doanh. Nhà em bên này, mới xây xong đầu năm nay nhờ tiền đền bù của một dự án đang được triển khai trong bản. Nhà có ít ruộng lúa, nên mình em làm. Một năm cũng tạm đủ gạo ăn cho cả nhà. Còn chồng em đi làm thêm ở ngoài, mỗi tháng tích cóp được khoảng 3 triệu đồng gửi về cho vợ, cũng đủ lo chi phí học tập cho 2 đứa con”.

Nằm ở địa điểm cực Tây của 2 tuyến biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, cuộc sống của người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cũng đang đổi thay. Tất cả là nhờ các chương trình, dự án, đặc biệt là các nguồn lực xây dựng nông thôn mới được tập trung cho mảnh đất địa đầu tổ quốc này. Sín Thầu hiện là xã đầu tiên của huyện Mường Nhé được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với phương châm, dễ trước, khó sau, chính quyền xã ưu tiên những tiêu chí dễ để làm trước, dồn nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó Sín Thầu đã từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí qua các năm, người dân cũng được thụ hưởng các thành quả của công tác này mang lại. Đến nay, tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%, đường trục thôn bản bê tông hóa đạt 85%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm; hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương… Ông Sùng Váng Sinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu chia sẻ: “Những năm qua, người Hà Nhì được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng trường lớp, tạo điều kiện cho các con, các cháu được đi học đầy đủ. Các tuyến đường được mở rộng, ô tô đi lại được thuận tiện, đa số nhà nào cũng có xe máy, xe đạp điện… Người Hà Nhì chúng tôi trước đây khó khăn, vất vả nhưng bây giờ đã vươn lên rồi”.

Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục nỗ lực phấn đấu triển khai đồng bộ các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; tạo điều kiện cho các hộ tham gia nhiều mô hình kinh tế. Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác chăn nuôi đại gia súc, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi nhốt, tập trung gia súc về để chăn nuôi. Không chỉ vậy, xã tiếp tục vận động người dân phát huy truyền thống giữ gìn đoàn kết để giúp đỡ nhau hoàn thành các tiêu chí còn lại, giữ gìn các tiêu chí đã đạt được để đảm bảo các tiêu chí trên địa bàn xã.

Đó mới chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về cuộc sống mới của người dân vùng cao đang đổi thay từng ngày. Tin tưởng rằng, với những chủ trương, chính sách đúng và trúng của Đảng và Nhà nước, tiếp tục được thực hiện hiệu quả sẽ giúp chất lượng cuộc sống của người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được nâng lên.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top