Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hướng tới việc làm bền vững

14:30 - Thứ Bảy, 20/08/2022 Lượt xem: 4605 In bài viết

ĐBP - Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập". Hội nghị được tổ chức  trực tiếp tại Hà Nội kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67%.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù còn chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, song thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể, phục hồi nhanh. Cụ thể, đối với lực lượng lao động, 6 tháng đầu là 51,4 triệu người, tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (tăng mạnh ở khu vực thành thị), trong khi giảm ở khu vực nông thôn. Số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước. 6 tháng đầu năm 2022 cả nước có 50,288 triệu lao động có việc làm, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực.

6 tháng đầu năm, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người (chiếm 27,7%); khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (chiếm 33,4%), tăng 435,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (chiếm 38,9%), tăng 8,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước… Thu nhập của người lao động cũng được cải thiện đáng kể, bình quân 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước…

Các đại biểu cũng nêu ra một số hạn chế của thị trường lao động hiện nay ở nước ta, như: Chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động vẫn còn thấp; chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm cả về ngành và địa bàn; một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung, cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ cơ hội và thách thức của thị trường lao động Việt Nam hiện nay. Đồng thời cho rằng, để phục hồi, ổn định thị trường lao động hậu đại dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng làm tốt công tác phối hợp, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực, đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, quán triệt sâu sắc quan điểm mà Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định về sự cần thiết phải xây dựng thị trường lao động thật sự, với phương hướng, tính chất yêu cầu của thị trường lao động đó là: “Phát triển thị trường lao động, hướng tới việc làm bền vững”, “phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt và hội nhập, có sự quản lý, điều hành của Nhà nước”…

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top