Tăng cường truyền thông về giảm nghèo bền vững

07:15 - Thứ Tư, 24/08/2022 Lượt xem: 5259 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; nguồn lực thực hiện chưa đảm bảo, còn dàn trải, manh mún... Để khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp quan trọng của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là chú trọng công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân.

Thông qua công tác truyền thông, nhiều hộ dân thay đổi tư tưởng trồng chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước, mà nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Trong ảnh: Người dân xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) chế biến măng khô.

Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 2.345 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 mới được phê duyệt hơn 1.434 tỷ đồng). Mặc dù nguồn lực đầu tư không nhỏ, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững, thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Trông chờ, ỷ lại được xác định là một trong những nguyên nhân lớn, cản trở nỗ lực xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ giảm nghèo thời gian qua được thiết kế theo hướng bao phủ rộng khắp các đối tượng thụ hưởng. Đây là sự nhân văn nhưng điều này cũng khiến hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc, có nơi tạo cớ cho người nghèo lười lao động, không muốn thoát nghèo.

Chính vì vậy, nhận thức, hành động của các cấp, ngành, đặc biệt là người dân - đối tượng trực tiếp thụ hưởng các chính sách giảm nghèo đòi hỏi phải thay đổi. Thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh xác định tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều. Qua đó nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Tại huyện Tủa Chùa, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù nguồn kinh phí Chương trình MTQG Giảm ngèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phân bổ, nhưng huyện đã lồng ghép các nguồn vốn, chương trình để thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo. Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện triển khai đến cán bộ, người dân trên địa bàn huyện được thực hiện trực tiếp trong các hội nghị, cuộc họp ở các cấp và thực hiện gián tiếp bằng văn bản; qua sóng truyền thanh, truyền hình.... Qua đó nhận thức của người dân cũng được nâng lên, giảm dần người có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Nhiều hộ nghèo đã ý thức tự lực tự cường, quyết tâm vượt lên thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, đưa gia đình thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện giảm đáng kể. Kết quả thực hiện các chính sách tiếp cận các chiều thiếu hụt trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều tích cực, như: Duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 36 nghìn người, tạo việc làm mới gần 500 lao động; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 96%; số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 82,4%... Về kết quả thực hiện các tiêu chí chủ yếu như: thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người; tỷ hộ hộ nghèo giảm từ 46,2% xuống còn 40,7% (giảm 5,5% so với năm 2021); 88/103 thôn bản đã có hệ thống điện lưới quốc gia.

Cũng như huyện Tủa Chùa, việc tăng cường công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân được các huyện khác trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Trong đó chú trọng nội dung về xây dựng đời sống tinh thần lạc quan, loại bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, mạnh dạn hợp tác với những người xung quanh trong sản xuất kinh doanh. Đây là tâm lý thường thấy ở những người có hoàn cảnh khó khăn, những người nghèo không dễ thay đổi cách nghĩ của họ trong một sớm một chiều mà cần thời gian, công sức, sự khéo léo của những cán bộ làm truyền thông.

Thực hiện dự án truyền thông về giảm nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững với nội dung “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài ra, tổ chức truyền thông trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo về các chính sách giảm nghèo, các mô hình sản xuất có hiệu quả, chính sách tín dụng liên quan đến hộ nghèo; in ấn và phát hành tờ rơi tuyên truyền về chương trình giảm nghèo. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thực hiện dự án giảm nghèo về thông tin, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách thông tin về giảm nghèo; hỗ trợ các thiết bị nghe - xem cho các hộ nghèo; in, phát hành các tờ rơi với nội dung tuyên truyền về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Qua đó đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về cách tiếp cận mới về giảm nghèo đa chiều. Người nghèo dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; đồng thời ngày càng chủ động, tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, tiếp thu các kiến thức khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất, mô hình kinh tế, nắm bắt thông tin về thị trường để có định hướng đúng trong phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) trên địa bàn tỉnh còn 34,9%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 44,95% tổng số hộ dân tộc thiểu số; số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 7,64% tổng số hộ dân cư.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top