Đa dạng hình thức truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá

06:44 - Chủ Nhật, 28/08/2022 Lượt xem: 6150 In bài viết

ĐBP- Xác định công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) giữ vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của người dân đối với hành vi hút thuốc lá; Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTHTL, hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá lưu động tại huyện Tuần Giáo.

Trước đây, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là hình ảnh một số cán bộ, công chức, viên chức nam vẫn có thói quen hút thuốc ở nơi làm việc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Nhưng đến nay, tình trạng hút thuốc nơi công cộng và tại các cơ quan Nhà nước, bệnh viện, trường học trên địa bàn đã giảm rõ rệt; 100% cơ sở y tế, trường học từ mầm non đến bậc trung học phổ thông đã xây dựng môi trường không khói thuốc và duy trì hiệu quả. Để có được kết quả đó, nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đã được triển khai nhằm nâng cao ý thức tự giác của mỗi người trong công tác PCTHTL.

Triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, trong thời gian qua, cùng với tiến hành mít tinh, cổ động mặt đường; tổ chức hội thảo, tập huấn thì các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh (Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) đã chủ động tiến hành các phương pháp truyền thông phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, xây dựng các tin, bài, ảnh, những điển hình trong triển khai thực hiện Luật PCTHTL. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp tiến hành tuyên truyền, cổ động trực quan, treo băng zôn, khẩu hiệu. Sở Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; phối hợp cấp phát tờ rơi đến người dân; xây dựng các phóng sự tuyên truyền về tác hại thuốc lá. Nhìn chung, các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá, phổ biến Luật PCTHTL và các văn bản liên quan phổ biến đến người dân, chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân về tác hại của hút thuốc lá tại nơi công cộng và nơi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, việc triển khai các hoạt động truyền thông về PCTHTL được thực hiện đa dạng cả về hình thức và nội dung. Đặc biệt là các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5; Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức treo trên 200 băng rôn tuyên truyền, đăng tải trên 300 lượt tin, bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh truyền hình, huyện và loa truyền thanh xã, phường, thị trấn được trên 300 lượt tin, bài. Trên các cổng thông tin điện tử, website, mạng xã hội trên 60 tin, bài, clip. Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như website, fanpage về chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá; lợi ích của việc bỏ thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá...

Có thể thấy, công tác truyền thông PCTHTL trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng hóa và phát huy những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác PCTHTL cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm túc việc thực thi pháp luật về PCTHTL; xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với những hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top