Lời ru buồn ở Rạng Đông

07:33 - Thứ Bảy, 10/09/2022 Lượt xem: 4616 In bài viết

ĐBP - Sau mỗi kỳ nghỉ hè, xã vùng cao Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) lại có thêm vài nữ sinh độ tuổi 14 đến dưới 18 nghỉ học ở nhà lấy chồng. Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em bước ra khỏi cổng trường, gánh lên vai trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ...

Cán bộ hội phụ nữ đến thăm hỏi, trò chuyện với gia đình em Lò Thị Phúc.

Những lời ru buồn

Nậm Mu là bản vùng thấp, gần trung tâm xã nhưng lại nhức nhối nhất về tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Rạng Đông. “Nghỉ hè năm nay bản lại có thêm 2 cháu mới học hết lớp 10, có thai rồi. Chưa biết các gia đình tính sao nhưng hầu hết các trường hợp như vậy trong bản là nghỉ học và làm lễ, rồi về ở với nhau, đợi đủ tuổi thì cưới” - chị Lường Thị Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nậm Mu chia sẻ. Chị Nhân nhẩm đếm đầu ngón tay “Cả bản hiện có 7 - 8 cháu dưới 18 tuổi mà đã sinh con, làm mẹ”.

Từ những nữ học sinh lớp 7, 8 đến những em đã sắp hoàn thành 12 năm đèn sách, với hiểu biết còn hạn chế về giới tính, sức khỏe sinh sản, nhiều em có bạn trai và mang thai ngoài ý muốn. Bà Cà Thị Sẹn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Rạng Đông cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn ngày có xu hướng tăng, có một số cháu còn quá nhỏ (14, 15 tuổi). Các cháu đi học, được sử dụng điện thoại di động, nhắn tin làm quen, tán tỉnh nhau qua điện thoại, qua mạng, rồi đi quá giới hạn, mang thai khi còn ít tuổi, cơ thể và nhận thức đều chưa phát triển đầy đủ. Trừ bản Rạng Đông, còn lại các bản trong xã (6/7 bản) đều có những trường hợp tương tự”. Và kéo theo đó là những cuộc đời rẽ lối, những lời ru buồn...

Nỗi lo trên vai

Trên đường đi, chị Lường Thị Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nậm Mu kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về những người mẹ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Có em mới học hết lớp 10 thì mang thai, ở nhà lấy chồng. Sau sinh em bị bệnh động kinh, nay con đã hơn 10 tháng tuổi, mẹ vẫn đang được gia đình chăm lo chạy chữa. Có em nghỉ học lấy chồng, sinh liên tiếp 3 con nhỏ, bố mẹ già lại vất vả chăm cả con lẫn cháu...

Chưa dứt chuyện, chị Nhân đưa chúng tôi đến nhà em Lò Thị Dung. Thân hình nhỏ thó, xanh xao, Dung năm nay 17 tuổi nhưng đã là mẹ của con trai 3 tuổi. Bế con trên tay, Dung rụt rè tâm sự: “Chồng em cùng bản, hơn em 9 tuổi. Nghỉ hè năm lớp 8, em mang thai, ban đầu bố mẹ buồn và ngăn cản nhưng sự việc đã thế rồi nên đành đồng ý. Thầy cô vẫn vận động em đi học nhưng vì ngại với bạn bè và lo cho cuộc sống nên em nghỉ học”. Mang thai ở tuổi 14 nên sau sinh sức khỏe Dung yếu hơn hẳn. Con của Dung sinh ra cũng bị suy dinh dưỡng và thường xuyên ốm đau, đã 2 lần nhập viện điều trị viêm phổi. “Sức khỏe em kém nên chủ yếu ở nhà, bây giờ cũng chỉ lao động, giúp việc nhà nhẹ nhàng. Khi con ốm thì bà ngoại giúp chăm cùng vì em chưa có kinh nghiệm” - Dung chia sẻ thêm.

Cô bé 17 tuổi thay vì đến trường, vui chơi cùng bạn bè thì giờ dành toàn thời gian và sự quan tâm, yêu thương cho con nhỏ. Dung vừa dạy con phát âm tên đồ chơi vừa lo lắng cho biết: “Con em 3 tuổi rồi nhưng cháu mới chỉ nói từ đơn chứ chưa ghép 2 từ trở lên. Sợ con chậm nói nên em phải nói chuyện với con nhiều hơn và dạy con tập nói hàng ngày”.

Lò Thị Dung chơi cùng con trai.

Xa dần tiếng tập phát âm của 2 mẹ con Dung, chúng tôi đến nhà em Cà Thị Phúc, sinh năm 1997 (cùng bản Nậm Mu). Trong ngôi nhà tạm, nửa là nhà sàn thấp lè tè, nửa tận dụng gian trệt ốp ván gỗ lưa thưa, Phúc đang cố gắng dỗ con bị bỏng do chạm tay vào nước nóng trong lúc mẹ bận việc nhà, không có ai trông. Tiếng gào khóc của con trẻ càng làm ngôi nhà thêm chật hẹp, nóng bức. Phúc lấy chồng khi đang học dở lớp 11 (năm 2014). Lập gia đình đã nhiều năm, sinh 2 con nhỏ và ra ở riêng, Phúc là người hiểu rõ những vất vả, khó khăn khi lấy chồng sớm. Phúc chia sẻ: “Sau khi sinh con đầu, trong quá trình nuôi con, em mới hiểu thế nào là cuộc sống gia đình, có quá nhiều nỗi lo, con thì ốm mà mình thì không có tiền chi tiêu, trang trải. Nhất là đến năm 2019, 2 vợ chồng ra ở riêng, phải vay mượn để dựng tạm nhà, ruộng thì ít không đủ ăn. Hết mùa màng, chồng đi làm thuê, vợ ở nhà vay tiền, vay gạo ăn, đến lúc chồng về có khi trả nợ là hết. Nhiều khi đi làm về mệt mỏi, áp lực, 2 vợ chồng lại cáu kỉnh, cãi nhau. Những lúc ấy, em ngồi nhớ ngày xưa còn đi học, hồn nhiên vô tư, tự trách mình sao mà không suy nghĩ kỹ, lấy chồng sớm thế để giờ vất vả. Nhưng sau cùng lại vì con mà cùng nhau cố gắng làm lụng, vun đắp”.

Con đầu của Phúc năm nay đã 8 tuổi, học lớp 3. Giờ cuộc sống của vợ chồng Phúc đã ổn định, dù vẫn là hộ nghèo nhưng có lẽ thời gian khó khăn nhất cũng đã vượt qua. Đôi khi nhìn lại bạn bè, có người chưa kết hôn tự do “bay nhảy”, có người được đi khắp nơi, làm các công việc khác nhau, Phúc cũng có lúc chạnh lòng nhưng với em giờ đây hạnh phúc bên gia đình là điều tuyệt vời nhất. “Em vui với những gì mình hiện có nhưng vẫn mong các em, các cháu đừng tảo hôn, bỏ học giữa chừng lấy chồng sớm như mình. Tuổi học trò là những năm tháng đẹp nhất, các em sẽ có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn và tương lai rộng mở hơn nếu cố gắng chăm chỉ, hoàn thành việc học” - Phúc nhắn nhủ.

“Bài toán” tảo hôn

Cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng tảo hôn khác trên địa bàn xã Rạng Đông cũng gặp những khó khăn tương tự Dung và Phúc. Hầu hết họ là hộ nghèo, công việc không ổn định, hoặc vẫn sống cùng, nhờ bố mẹ 2 bên giúp đỡ. Đã có nhiều trường hợp nhãn tiền về những khó khăn, vất vả, nguy hiểm khi lấy chồng, sinh con khi còn nhỏ tuổi nhưng tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn và có dấu hiệu gia tăng số cặp và giảm độ tuổi. Nói về việc này, bà Sẹn cảm thấy rối bời bởi: “Hàng năm hội phụ nữ các cấp đều tổ chức rất nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn. Chúng tôi còn phối hợp với Dự án Tầm nhìn thế giới tổ chức các chương trình về bình đẳng giới, duy trì câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái, trang bị cho các em kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân... Hơn nữa, tại nhà trường, các em cũng được tham gia nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền về giới tính, sức khỏe sinh sản. Nhưng việc mang thai ngoài ý muốn, tảo hôn vẫn cứ diễn ra”.

Có lẽ “bài toán” tảo hôn cần được nhìn nhận, đánh giá kỹ càng hơn để tìm ra giải pháp hữu hiệu. Và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng cả cộng đồng để không chỉ triển khai các hình thức tuyên truyền một cách thiết thực, hiệu quả, nâng cao nhận thức nhân dân mà còn có các chế tài siết chặt, hạn chế tảo hôn tại mảnh đất vùng cao này.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top