Bên dòng Nạm Ngam

06:52 - Chủ Nhật, 18/09/2022 Lượt xem: 4410 In bài viết

ĐBP - Bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên là nơi 84 gia đình dân tộc Lào sinh sống quần cư, phía trước giáp tỉnh lộ, phía sau là dòng Nạm Ngam uốn quanh. Na Sang II còn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, nổi tiếng xa gần là nghề dệt thổ cẩm với sự chỉn chu, tinh xảo. Những đặc điểm ấy chính là điều kiện để Na Sang II phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề thủ công.

Các cụ già dân tộc Lào trò chuyện trong khuôn viên Homestay Nạm Ngam.

Từ tỉnh lộ rẽ vào cổng chào bản văn hóa Na Sang II, chỉ một đoạn đường nội bản nhưng có thể nhận thấy rõ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Lào. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ nằm san sát; dưới gầm sàn hoặc sát chân cầu thang là khung cửi dệt vải truyền thống lách cách tiếng thoi đưa; các tấm vải, váy áo thổ cẩm nhiều màu sắc và họa tiết tinh xảo phấp phới bay trên dây phơi; dọc đường vào bản là những cây me già không nhớ đã bao nhiêu năm tuổi sai trĩu quả... Người yêu văn hóa, yêu thiên nhiên vào bản đều muốn dừng chân nghỉ ngơi, tìm hiểu.

Những ngày tháng 9 này, người dân bản Na Sang II mừng vui khi trong bản chuẩn bị khai trương 1 homestay. Đây có thể là hướng đi mới, thúc đẩy phát triển bản văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. Đó là homestay Nạm Ngam của gia đình bà Lò Thị Viên tự nghiên cứu và nhờ chuyên gia tư vấn, đầu tư. Nạm Ngam dịch ra tiếng phổ thông là suối đẹp, cũng là tên con suối thơ mộng, với nhiều tảng đá lớn, tròn, nhẵn, xếp ngẫu nhiên khắp lòng suối, bên cạnh homestay. Dòng suối này cũng là điểm nhấn trong cảnh quan, không gian của homestay nói riêng và bản nói chung. Bà Lò Thị Viên cho biết: “Nhiều khách mua thổ cẩm hoặc bạn bè của gia đình tôi khi đến bản ấn tượng với vẻ đẹp nơi đây và muốn nghỉ lại. Sau nhiều năm được đi nhiều nơi học hỏi, tôi đã quyết định mở homestay để đáp ứng nhu cầu du khách và thêm hướng đi mới cho gia đình cũng như bà con trong bản. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà năm nay mới triển khai được. Gia đình đã đầu tư các gian nghỉ đậm nét văn hóa dân tộc Lào, từ rèm che, ga, gối, chăn... đều là vải do Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Lào của bản làm ra. Cùng với đó là các khu ăn, nhà tắm, vệ sinh, các chòi rộng trong khuôn viên sân để khách nghỉ ngơi, ăn uống thoáng đãng, mát mẻ... nhằm đáp ứng phục vụ lưu trú, ăn uống, giao lưu văn hóa văn nghệ theo nhu cầu du khách với sức chứa hơn 20 người”.

Bà Lò Thị Viên hiện cũng là Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II. HTX thành lập từ năm 2004, những năm qua vẫn hoạt động tích cực, góp phần tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập đáng kể cho nhiều người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ trong bản. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, HTX cũng đang phục hồi sản xuất, kết nối lại đầu ra là các mối bên nước bạn Lào, các tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... và những cửa hàng thổ cẩm, quà tặng lưu niệm được khách du lịch ưu chuộng tại phố cổ Hà Nội. Bà Viên chia sẻ thêm: “Khi mở homestay, tôi hướng đến gắn kết với giá trị văn hóa truyền thống và nghề dệt thổ cẩm, không chỉ để nhiều người biết đến bản chúng tôi mà còn để bà con dân tộc Lào thêm ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống. Hiện tại cả bản có 84 hộ thì có đến 83 hộ có khung cửi hoạt động thường xuyên. HTX Dệt có 23 thành viên chính thức, nhưng khi có đơn hàng lớn thì có thể huy động tất cả các chị em trong bản cùng các khung dệt tham gia. Vì thế du khách đến nghỉ tại bản còn có thể trải nghiệm nghề truyền thống, cùng các chị em se sợi, nhuộm màu, dệt vải và mua những tấm vải đa họa tiết (chùa tháp, con voi, chữ vạn...) mang đặc trưng văn hóa dân tộc Lào. Gia đình tôi đứng ra làm homestay trước, nếu được đón nhận sẽ hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong bản nhân rộng mô hình”.

Nghề truyền thống dệt thổ cẩm được phụ nữ bản Na Sang II giữ gìn, phát huy, là nét đẹp văn hóa được nhiều khách du lịch yêu thích, tìm hiểu.

Từ đầu năm đến nay, HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II đã xuất 7 đợt hàng cho các đối tác trong và ngoài nước. Dù chưa thống kê số lượng nhưng đây là tín hiệu tích cực khi mở cửa trở lại sau dịch bệnh. Doanh thu trung bình hàng năm trước dịch bệnh của HTX là khoảng 500 - 700 triệu đồng, có năm cao điểm thu về trên 1 tỷ đồng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là vải thổ cẩm truyền thống từ tơ, sợi kéo thủ công, nhuộm màu tự nhiên từ cây chàm, củ nâu, cánh kiến, các loại lá rừng... HTX cũng luôn làm mới mình bằng các mặt hàng đa dạng, phong phú, như: Túi, giày, khăn, váy, áo... Ngoài ra, HTX còn mở rộng diện tích trồng bông, khôi phục giống bông cho ra sợi vải màu nâu tự nhiên, được nhiều đối tác ưa chuộng, đặt hàng. Nhờ đó mang lại thu nhập (trước dịch bệnh) 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người cho hội viên tham gia đều đặn, những người tranh thủ thời gian làm cũng có thêm nguồn thu 1 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Với cảnh quan tươi đẹp và văn hóa đặc sắc được giữ gìn, đặc biệt là nghề truyền thống đang phát triển hiệu quả, cộng đồng dân tộc Lào bản Na Sang II có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Từ homestay đầu tiên, hi vọng rằng thêm nhiều khách du lịch phương xa biết đến bản Na Sang II và nơi đây có thể phát triển nhiều hơn nữa các mô hình dịch vụ du lịch bên dòng suối đẹp Nạm Ngam, đáp ứng nhu cầu du khách.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top