Ưu tiên nhà ở để ổn định xã hội

07:31 - Chủ Nhật, 18/09/2022 Lượt xem: 3425 In bài viết

Đối với nhiều quốc gia, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân được coi là một trong những ưu tiên để ổn định xã hội. Rất nhiều mô hình nhà ở được đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện và mức sống của các tầng lớp lao động, trong đó, nhà ở dành cho những người có thu nhập thấp được quan tâm đặc biệt.

Một khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Philadelphia (Mỹ).

Tổng hợp nghiên cứu từ nhiều quốc gia có kinh nghiệm phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp cho thấy rằng, các chính sách được đưa ra tập trung theo 3 hướng. Thứ nhất, Chính phủ thông qua các tổng công ty xây dựng có vốn nhà nước triển khai các dự án lớn về nhà ở cho người lao động. Quy mô dân cư của các khu nhà này có thể như một đô thị lên tới hàng vạn người với các dịch vụ cần thiết về giáo dục, y tế, rèn luyện sức khỏe, giao thông công cộng, mua sắm... Để triển khai những dự án này, nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ đất đai, đưa ra chính sách ưu đãi tài chính cũng như đặt ra tiêu chuẩn cho đối tượng được mua nhà. Mô hình này đã được áp dụng tại Singapore, Trung Quốc, Sri Lanka...

Tại Trung Quốc, dựa trên con số thống kê về nhu cầu nhà ở, Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn chịu trách nhiệm lập kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc và thực hiện phân bổ nguồn ngân sách mà Trung ương hỗ trợ cho các địa phương. Chính quyền địa phương làm nhiệm vụ điều tiết kinh phí và lựa chọn công ty xây dựng thực hiện dự án. Chính phủ miễn một số loại thuế, giảm lãi suất cho vay vốn đối với các công ty tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Tiêu chuẩn đối với đối tượng thuê hoặc mua nhà cũng do chính quyền địa phương quy định. Ví dụ: Mức thu nhập phải thấp hơn thu nhập bình quân của địa phương; nhà ở đang sở hữu có diện tích dưới 7m2/người. Các tiêu chuẩn sẽ được điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Quá trình mua bán nhà ở được thực hiện trên các trang web hành chính công để cơ quan quản lý nhà ở kiểm soát...

Hướng phát triển thứ hai là ưu tiên vai trò của tư nhân và cộng đồng. Các dự án nhà ở xã hội có xu hướng địa phương hóa và tư nhân hóa với quy mô đa dạng. Chính phủ khuyến khích chính quyền địa phương và các hiệp hội tự quyết định các dự án nhà ở cho người lao động trong khu vực. Các hiệp hội và công ty xây dựng nhà ở cho người lao động tại địa phương hoạt động trên quan điểm phi lợi nhận, hoặc lợi nhuận thấp. Mô hình này thường được áp dụng tại các nước phát triển như Australia, Pháp, Đức, Hà Lan...

Tại Thụy Điển, nhờ áp dụng chính sách này, từ năm 1965 tới nay, nhiều khu nhà ở xã hội đã được xây dựng với mục tiêu “Toàn dân phải được cung cấp căn hộ tốt với giá thành hợp lý”. Trong giai đoạn 1965-1975, với 1 triệu căn hộ tiêu chuẩn 3 phòng có diện tích 75m2  được xây dựng, Thụy Điển đã xóa bỏ thành công các khu tạm cư, nhà ở xuống cấp trên toàn quốc. Điều đáng nói là cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, bệnh viện, công viên, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại kèm theo của các căn hộ này cũng được xây dựng đồng bộ. Từ năm 2001, Thụy Điển bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng các căn hộ, nhà ở xã hội chất lượng cao. Kiến trúc chủ yếu là khu nhà thấp tầng, có không gian xanh, tạo cảnh quan môi trường nơi sống của cư dân hòa đồng với thiên nhiên.

Chính phủ Thụy Điển đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho người già và người tàn tật. Chính sách hỗ trợ và xây dựng nhà ở cho đối tượng này mang tính xã hội cao. Khi được cấp giấy phép xây dựng, các công ty nhà ở có đủ năng lực và tư cách pháp nhân xây dựng những khu nhà và các công ty này tham gia vào liên minh hợp tác xã nhà Thụy Điển. Họ cùng nhau xây dựng và thiết lập mối quan hệ giữa ban quản lý khu nhà với người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển một xã hội văn minh cần có.

Hướng thứ ba là Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho những người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở thay vì tập trung hỗ trợ cho đơn vị xây dựng và các nhà cung cấp nhà ở. Với chính sách này, người dân được quyền tự do lựa chọn địa điểm nhà ở và giá cả phù hợp. Nhờ vậy, tính cạnh tranh trong lĩnh vực nhà ở xã hội tăng cao, nguy cơ tham nhũng, nâng khống giá trong quá trình đầu tư xây dựng giảm. Mô hình này được áp dụng tại Mỹ, Brazil, Nam Phi...

Tại Mỹ, người mua nhà được vay tới 80%, thậm chí là 90 - 95% giá trị căn hộ với thời gian vay lên tới trên 30 năm, lãi suất từ 5 - 6%/năm. Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội sẽ được tham gia quy trình bỏ phiếu lựa chọn nhà ở do chính quyền địa phương cung cấp. Sau khi xét duyệt, các hộ gia đình thu nhập thấp đạt tiêu chuẩn sẽ nhận được một tờ phiếu để lựa chọn thuê hoặc mua nhà. Chính sách hỗ trợ nhà ở dành cho người thu nhập thấp được chính phủ xem xét định kỳ nhằm thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới về kinh tế, thị trường, môi trường và xã hội.

Nhìn chung, ở mỗi quốc gia, mức độ tác động của chính sách phát triển nhà ở xã hội khác nhau, nhưng để thành công, các chính sách này phải nằm trong khuôn khổ pháp lý và được quản lý chặt chẽ. Các doanh nghiệp khi tham gia xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước và thủ tục hành chính rõ ràng... Theo các nhà quản lý, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ giúp giảm bớt các vấn đề xã hội, mang lại sự ổn định cho một quốc gia.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top