ĐBP - Thực hiện Dự án Chợ thương mại dịch vụ Mường Thanh, UBND TP. Điện Biên Phủ ra quyết định thu hồi 6.566m2 đất khu vực chợ tạm, thuộc quản lý của UBND phường Mường Thanh. Để có thể sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, UBND phường Mường Thanh triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động người dân tại khu vực chợ tạm nhanh chóng di dời vào kinh doanh tại khu vực chợ mới...
Ngoài việc di chuyển trụ sở một số cơ quan, còn có gần 50 hộ dân tại khu vực chợ tạm Mường Thanh phải di chuyển bàn giao mặt bằng theo quy hoạch chi tiết để xây dựng Dự án. Để đảm bảo việc bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch, UBND phường Mường Thanh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, di chuyển để bàn giao mặt bằng. Đồng thời có kế hoạch bố trí nơi kinh doanh mới cho các hộ gia đình nếu có nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: “Để việc giải phóng, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, UBND phường tập trung phối hợp với MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền về các nội dung, mục tiêu của Dự án tới tất cả các hộ gia đình. Mặc dù bà con sinh sống ở đây đã nhiều năm và có nhiều thế hệ được sinh ra nên rất gắn bó với nơi này. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, bà con tiểu thương cũng rất đồng thuận với chủ trương chung, tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc di chuyển để bàn giao mặt bằng...”.
Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng Dự án, gần 50 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất tại chợ Mường Thanh đã khẩn trương tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc... Gia đình ông Lê Tiến Mạnh, tổ 3, phường Mường Thanh là một trong những hộ dân có nhiều năm làm ăn sinh sống, gắn bó với khu vực này. Nhận thông báo của UBND phường về việc thu hồi đất, gia đình ông cũng biết rằng cuộc sống trước mắt sẽ bị xáo trộn... Song được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình ông đã sẵn sàng tháo dỡ nhà cửa, di chuyển vì sự phát triển chung của thành phố. “Đồng thuận theo chủ trương của thành phố về triển khai Dự án, gia đình chúng tôi nhất trí việc bàn giao mặt bằng. Mặc dù chúng tôi sinh sống ở đầy từ năm 2006, bây giờ giải tỏa làm khu đô thị thì cũng có chút buồn. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng đã được UBND phường bố trí nơi kinh doanh tại chợ mới kịp thời...” - ông Lê Tiến Mạnh chia sẻ.
Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, UBND phường Mường Thanh cũng tập trung bố trí, sắp xếp các hộ dân vào chợ Mường Thanh, kịp thời phục hồi việc kinh doanh ngay sau di dời. Hiện tại chợ Mường Thanh hoàn thiện đi vào hoạt động với 240 gian hàng. Mặc dù trước mắt vẫn còn những khó khăn nhưng việc đưa chợ Mường Thanh vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương buôn bán, trao đổi hàng hóa ổn định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết thêm: “Thực hiện việc di chuyển tiểu thương từ chợ tạm vào khu vực chợ mới, UBND phường đã xây dựng phương án sắp xếp ngành, nghề theo đúng khuôn viên, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho bà con kinh doanh. Khi vào chợ mới, UBND phường cũng như Ban quản lý chợ cũng đã tập trung tuyên truyền để bà con giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy. Có thể thời gian đầu, việc kinh doanh sẽ có chút khó khăn do di dời vào chợ mới, thói quen mua sắm của người dân phải có thời gian mới thay đổi kịp”.
Đến thời điểm này, UBND phường Mường Thanh đã bàn giao được mặt bằng sạch khu chợ cho đơn vị chủ đầu tư tiến hành các giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian tới, UBND phường Mường Thanh tiếp tục tuyên truyền vận động để các hộ dân ở chợ tạm còn lại sớm vào kinh doanh trong chợ mới, góp phần giải quyết một phần vấn đề cảnh quan, giao thông và môi trường tồn tại nhiều năm nay.