Tác phẩm tham dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021 - 2022
ĐBP - “Sống gần hết đời người, tôi chỉ dám mơ chứ chưa bao giờ nghĩ thực sự sẽ có đường bê tông to vào đến tận cổng nhà mình. Vậy mà nay đã thành hiện thực” – cụ ông Bạc Cầm Pánh (84 tuổi) bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo xúc động chia sẻ về con đường nội bản trước cửa nhà. Người dân khắp các bản của Chiềng Sinh cùng chung niềm vui ấy, khi lần lượt từng tuyến bê tông phẳng phiu thay thế những lối mòn dốc cao, trơn trượt được hoàn thành từ chính sự đồng lòng, đoàn kết góp công, góp của và huy động xã hội hóa toàn dân.
Hô “biến” những con đường mòn
Những tuyến đường bê tông nội bản mà chúng tôi nhắc đến ở trên có tên là “con đường nhân ái” được xã Chiềng Sinh triển khai từ năm 2019 đến nay. Lần lượt từng con đường số 1, số 2... đến số 10 êm thuận xe đi. Mỗi tuyến đường hoàn thành đều rất nhanh chóng mà chắc chắn, chất lượng, “biến” những đoạn đường đất gồ ghề, đứt gãy, phần lớn là đường mòn chỉ rộng chừng 1m thành đường bê tông dày, chắc chắn, thênh thang từ 2 - 3,6m.
Con đường nhân ái số 9 được khánh thành vào cuối tháng 4/2022 trong sự mừng vui khôn xiết của nhân dân cụm bản Pa Sát, bản Che Phai 1. Sau khi cầu Pa Sát được nối nhịp năm 2020, con đường mới được mở, san lấp từ đất ao, vườn của các hộ dân, phục vụ đi lại của hơn 40 hộ dân. Tuy nhiên, đường mùa mưa thì lầy lội, mùa khô lại bụi mù mịt. Từ thực tế đó, dự án “con đường nhân ái” số 9 được triển khai. Cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Sinh chủ trương huy động xã hội hóa làm đường. Cán bộ xã trực tiếp đứng ra kết nối những tấm lòng nhân ái qua mạng xã hội được 54 triệu đồng để mua nguyên vật liệu. Nhân dân đóng góp 47 triệu đồng để giải phóng mặt bằng. Có kinh phí, các hộ dân cụm Pa Sát bắt tay ngay vào làm đường.
Ông Lò Văn Toán, Trưởng bản Che Phai 1 kể lại: “Không đắn đo, khi đưa ra bàn bạc là bà con trong cụm nhất trí, ủng hộ làm đường luôn. Tất cả các hộ trong cụm đều nhiệt tình cử người tham gia ngày công. Nhờ đó chỉ trong 4 ngày là xong các công đoạn san đường, đổ bê tông. Tính từ khi có chủ trương, huy động đóng góp đến khi hoàn thiện mất khoảng 1 tháng là bà con đã có đường đẹp với chiều dài 120m, rộng 3,6m, dày 17cm để đi lại thuận tiện”.
Hiến đất, góp tiền, bỏ sức, mỗi hộ dân cụm bản Pa Sát đều sẵn lòng. Ông Lò Văn Hoan cặm cụi làm đất vườn bên đường chỉ tay nói: “Gia đình tôi hiến hơn 1.000m2 ao để làm đường đấy! Ngày công thì chẳng nhớ bao nhiêu, làm đến khi nào xong thì thôi. Trước kia, chỉ có cầu tạm ở phía dưới bản, mưa lũ là bị cuốn trôi, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Giờ thì khác rồi! Cầu kiên cố, đường thoáng đẹp. Thấy ô tô, xe máy chạy bon bon, con cháu đến trường, bà con đi lại buôn bán thuận lợi, mình cũng thấy vui, không tiếc gì cả”.
Khác với đường cụm bản Pa Sát, “con đường nhân ái” số 5 bản Ta Cơn được hô “biến” từ lối mòn ngoằn ngoèo, gồ ghề trên địa bàn đồi dốc, rộng chừng 50cm – 1m, bốn mùa chỉ có thể đi bộ. Sau khi xã hội hóa được kinh phí mua nguyên vật liệu, người dân tự nguyện hiến đất và bỏ công sức thực hiện. Suốt 2 tháng liền, từng nhóm hộ dân bản Ta Cơn (10 – 20 hộ/nhóm) thay nhau làm đường. Đây là một trong 2 “con đường nhân ái” thi công mất nhiều công sức và thời gian nhất trên địa bàn, bởi vừa phải mở rộng vừa nắn đường, hạ độ cao (có đoạn hạ đến 2m), giảm quanh co.
Cụ ông Bạc Cầm Pánh chia sẻ: “Làm đường vất vả lắm, gần như là 1 tuyến đường mới hoàn toàn. Tôi huy động con cháu ai rảnh là tham gia làm cùng hết. Giờ hoàn thiện đường đẹp quá, nhiều hộ chuyển xuống ở gần đường, xây nhà mới luôn. Làm xong đường, bà con còn góp tiền liên hoan tưng bừng 30 mâm, gia đình tôi góp 1 con bò để chung vui”. Giờ đây người dân Ta Cơn đã có thể đi ô tô thông tuyến đường này, với chiều rộng 2m, dài gần 1km. Cuộc sống ở đây vì thế cũng có nhiều đổi thay tích cực.
Ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh, chia sẻ về tên gọi “con đường nhân ái” rằng: “Ai có tấm lòng thì cùng chung tay đóng góp, bỏ sức làm đường nên được đặt tên là “nhân ái”. Tất cả các con đường này được thực hiện từ nguồn vốn huy động của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và nhân dân đóng góp. Trên cơ sở xã lên phương án thiết kế, tính toán giúp, nhân dân là lực lượng trực tiếp thi công, tự giải ngân, có trách nhiệm với chính tuyến đường mình đi. Cán bộ xã hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát thi công, quán xuyến nhân lực để công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ”.
Nhà nhà chung sức làm đường
Từ lợi ích mà những “con đường nhân ái” mang lại, phong trào làm đường nội bản tại Chiềng Sinh diễn ra ngày càng sôi nổi. Tiêu biểu nhất chính là bản Ta Cơn, nơi đã hoàn thành 7 “con đường nhân ái”. Anh Lò Văn Thiêm, Trưởng bản Ta Cơn cho biết: “Cách đây 2 – 3 năm, đường nội bản toàn đường đất, nhỏ hẹp, đi bộ là chủ yếu, nhưng nay xe ô tô đã chạy được khắp bản. Ban đầu một số hộ dân còn lo ngại vì thấy vất vả quá, nhiều tuyến phải gánh, vác từng bao xi măng, cát, sỏi vào, nhưng có đường đi thuận lợi là mong ước của mọi người dân nên sau cùng ai cũng hết mình tham gia. Đoạn đường nào cũng có sự góp sức của tất cả các hộ dân trong bản”.
Ngoài những con đường kêu gọi được kinh phí từ các mạnh thường quân, bản Ta Cơn còn có 2 con đường do người dân tự bỏ tiền, bỏ công thực hiện. Đường nhánh vào nhà chị Bạc Thị San dài 110m, chỉ có 5 hộ sinh sống. Cách đây vài năm, đây chỉ là lối mòn đi nhờ qua vườn nhà khác, các hộ góp được 20 triệu đồng mua lại khoảnh đất mở con đường rộng chừng 1m. Dù vậy đường xấu, mưa xuống trơn trượt nên bà con vẫn đi bộ là chủ yếu. Đến giữa năm 2022, các hộ quyết định chung tiền làm đường bê tông. Bà Bạc Thị San chia sẻ: “Làm đoạn đường nhánh vào nhà chúng tôi hết khoảng 50 triệu đồng, chia ra mỗi nhà đóng 10 triệu đồng, nhiều lắm so với thu nhập của các gia đình. Nhưng để đi lại và có thể chở thóc, ngô, sắn về nhà sau khi thu hoạch thì các hộ đều cố gắng gom góp. Trong nhóm có 2/5 hộ nghèo, mọi người đều nhất trí hộ nào có tiền ứng ra trước, 2 hộ khó khăn khi nào có tiền đóng sau. Khi làm thì cả 5 hộ cùng tham gia, các gia đình ở quanh đấy cũng đến giúp, chỉ 4 ngày đã có đường bê tông để đi rồi”. Được biết Ta Cơn còn 2 nhánh đường vào các nhóm hộ chưa bê tông hóa nhưng đã được bà con chuẩn bị mặt bằng, sẵn sàng làm đường khi đủ điều kiện.
Phong trào làm đường nhân ái đã lan tỏa ra khắp các bản, như: Che Phai 1 (2 đường nhân ái), bản Dửn (1 đường nhân ái), bản Kép (1 đường nội bản dài hơn 1,1km do nhân dân đóng góp 88 triệu và 820 ngày công). Chỉ mấy ngày nữa, sau khi kết thúc mùa gặt, trên địa bàn xã Chiềng Sinh những tuyến đường bê tông tiếp tục trải rộng, làm mới từ sự đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng. Đó là 3 tuyến đường giao thông nội bản thuộc các bản: Hiệu, Dửn, Che Phai 1 với tổng chiều dài 820m. Nhân dân các bản đã đóng góp trên 277 triệu đồng, hiến đất, giải phóng mặt bằng và làm nền đường sẵn sàng cho ngày khởi công. Dự toán công trình mà UBND xã Chiềng Sinh xây dựng giúp dân tổng là hơn 541 triệu đồng. Nguồn kinh phí còn lại do Huyện ủy, UBND huyện phát động xã hội hóa.
Ông Lò Văn Toán, Trưởng bản Che Phai 1 cho biết: “Bản Che Phai 1 chỉ còn 1 tuyến đường đất đi lại khó, nhưng sắp tới chuẩn bị được làm rồi. Huyện, xã đã huy động được xi măng và đá, bản chuẩn bị những thứ cần thiết khác. Vì thế mỗi hộ ở bên tuyến đường đã đóng góp 1 triệu đồng (17 hộ), các hộ còn lại trong bản ủng hộ 100.000 đồng/hộ, tổng được hơn 30 triệu đồng. Xong mùa gặt bà con sẽ cùng ra quân làm đường”.
Nhờ cách làm trên, 3 năm qua hệ thống giao thông nội bản xã Chiềng Sinh đã nhanh chóng được kiên cố hóa, gần 80% đường nội bản rải bê tông vững chắc, thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn mới. “Điều đáng mừng hơn là qua các công trình tập thể ấy, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của nhân dân trong cụm, trong bản, trong xã ngày càng được thắt chặt; sự chủ động cùng ý chí vươn lên ngày càng cao, không trông chở ỷ lại. Bằng hình thức xã hội hóa và huy động sức dân, cùng với các nguồn vốn của Nhà nước, Chiềng Sinh sẽ tiếp tục triển khai làm đường. Phấn đấu đến năm 2024 cơ bản hoàn thành bê tông hóa tất cả các tuyến đường nội bản trên địa bàn” – ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh cho biết thêm.