ĐBP - Tai nạn giao thông (TNGT) là điều không mong muốn, khi xảy ra để lại nhiều hệ lụy nặng nề đối với xã hội. Ở tỉnh ta hiện nay, tình hình TNGT mặc dù đã từng bước được hạn chế, song vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 15 người và bị thương 10 người. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân hàng đầu là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Lực lượng chức năng đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát thực hiện đồng bộ các biện pháp, tăng cường tuần tra kiểm soát tại những địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông (TTATGT); mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 19.133 trường hợp vi phạm, trong đó lập biên bản 15.422 trường hợp với các phương tiện gồm 1.093 ô tô, 14.329 mô tô; ra quyết định xử phạt theo thủ tục không lập biên bản 3.686 trường hợp; tạm giữ 5.054 phương tiện; thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 14,9 tỷ đồng; tước 1.043 giấy phép lái xe.
Thượng tá Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Để giảm nguy cơ và mức độ mất an toàn giao thông, giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, huy động các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo đảm TTATGT; chủ động đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; cử cán bộ xuống làm việc với các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp đề nghị tăng cường thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh về bảo đảm TTATGT. Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm sát lưu động trên tuyến quốc lộ kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ lái xe chú ý phòng ngừa TNGT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATGT. Trong đó tập trung xử lý các nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: Vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe; vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường; không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe; sử dụng rượu, bia, chất ma túy điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời tăng cường sử dụng thiết bị đo tốc độ, xử lý nguội nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác điều tra cơ bản nắm tình hình về TTATGT, tình hình về tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về TTATGT, trật tự an toàn xã hội. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành Giao thông vận tải tổ chức khảo sát, phát hiện những bất hợp lý trong tổ chức giao thông, điểm đen, tiềm ẩn về TNGT để tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo khắc phục kịp thời. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, so với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT toàn tỉnh đã giảm 4 vụ, giảm 14 người bị thương.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông hay nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người chính là bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; đi bộ dưới lòng đường; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông. Với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như cho cộng đồng.