ĐBP - Xác định công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) là một trong những nội dung lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác PCCC&CNCH. Từ đó nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ sở, ý thức chấp hành các quy định của nhân dân về PCCC&CNCH được nâng lên; việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo cấp trên về công tác PCCC&CNCH được thực hiện nghiêm; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Qua rà soát, thống kê của lực lượng chức năng, toàn tỉnh có 5 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Cùng đó, toàn tỉnh có 12 lĩnh vực thuộc từng nhóm ngành, nghề; 417 cơ sở thuộc lĩnh vực nhà ở, văn phòng đa năng; 166 cơ sở thuộc lĩnh vực xăng dầu, dầu khí; 15 cơ sở thuộc lĩnh vực năng lượng; 32 cơ sở thuộc lĩnh vực hóa chất; 11 cơ sở thuộc lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chỉ đạo các lực lượng, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH; thường xuyên xây dựng và đăng phát các nội dung, tin, bài, phóng sự, clip cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông gửi tin nhắn SMS đến hơn 600.000 thuê bao di động và gửi 1 tin trên nền tảng zalo qua kênh Hành chính công tỉnh Điện Biên cho hơn 10.000 tài khoản zalo yêu cầu người dân cài đặt sử dụng app “Báo cháy 114”, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 12.500 lượt cài đặt sử dụng App “Báo cháy 114” và hơn 1.000 lượt thuê bao quan tâm zalo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH... Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho các đối tượng thuộc diện, kết quả: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã tổ chức 9 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ PCCC&CNCH với tổng số 811 người tham gia.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng siết chặt công tác kiểm tra, điều tra và xử lý vi phạm về PCCC&CNCH nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về PCCC, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về PCCC. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra đối với 514 cơ sở, 132.124/132.898 nhà ở hộ gia đình (đạt 99,42%); 5.608/5.608 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (đạt100%). Qua công tác kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra, phát hiện, kiến nghị khắc phục 100.643 thiếu sót trong công tác PCCC&CNCH. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp vi phạm quy định trong PCCC theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ với tổng số tiền xử phạt 6.000.000 đồng.
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định về công tác PCCC&CNCH đối với trụ sở làm việc, khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, cơ sở hàn, cắt kim loại... trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tình hình các vụ cháy nổ và thiệt hại giảm so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy (trong đó 2 vụ cháy nhà dân; 1 vụ cháy gian bán hàng tạp hóa, hoa quả giáp gianh khu vực chợ tạm; 1 vụ cháy xe ô tô) và 3 vụ sự cố cháy (1 vụ sự cố cháy bình gas 13kg, 1 vụ sự cố cháy gian bếp, 1 sự cố cháy đống rơm). Ước tính thiệt hại khoảng 2, 6 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện dẫn đến cháy; sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... Trong khi đó, số vụ cháy cùng kỳ năm 2021 là 11 vụ; thiệt hại 5,33 tỷ đồng, khiến 1 người chết và 5 người bị thương.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PCCC&CNCH, thời gian tới tỉnh xác định tiếp tục mạnh công tác tuyên truyền về Luật PCCC và kiến thức PCCC&CNCH; xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC&CNCH” với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng chú trọng công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá mức độ nguy hiểm cháy, nổ, sự cố, tai nạn ở từng địa bàn, từng cơ sở, qua đó triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa có hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, bảo đảm số lần, số lượt theo quy định. Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC... kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC&CNCH; đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.