Nâng cao ý thức phòng cháy từ cơ sở

06:01 - Thứ Bảy, 08/10/2022 Lượt xem: 4752 In bài viết

ĐBP - Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để cảnh báo về mối nguy hại mà hỏa hoạn có thể gây ra. Chỉ cần một sơ suất nhỏ “giặc hỏa” đều có thể gây ra những thiệt hại không hề nhỏ, thậm chí là cả tính mạng con người. Cuộc sống càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng nhanh, nhiều dịch vụ nở rộ khiến nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, những cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, nhà vừa ở vừa kinh doanh… luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn bởi những địa điểm này thường tập trung nhiều hàng hóa hoặc sử dụng vật liệu dễ cháy nổ.

Lực lượng PCCC cơ sở phường Mường Thanh tham gia tập huấn nghiệp vụ về PCCC.

Một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị đình chỉ, 8 cơ sở khác bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), như: chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; không duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống báo cháy tự động; không đảm bảo đường thoát nạn theo quy định; cải tạo không trình hồ sơ thẩm duyệt về PCCC; chưa trang bị phương tiện PCCC đầy đủ theo quy định… Đây là kết quả của đợt tổng kiểm tra thực trạng công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh từ ngày 13/8 - 28/9 của Công an tỉnh.

Trung tá Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: Toàn tỉnh hiện có 55 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và 2 quán bar. Trước nhiều vụ việc cháy quán karaoke thời gian gần đây tại các địa phương trong cả nước, việc kịp thời kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và yêu cầu các đơn vị vi phạm khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC sẽ góp phần hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ.  

Không chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, những hộ gia đình vừa ở vừa kinh doanh tại nhà cũng là điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Theo quan sát của phóng viên, nhiều gia đình thường chất hàng hóa và dồn thành đống, treo trên tường, lấn lên cầu thang, chỉ chừa lại đường đi lại rất nhỏ. Tại nhiều hộ kinh doanh các thiết bị điện đã cũ, hỏng hóc, không được thay mới… tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.

Đơn cử như vụ cháy xảy ra lúc hơn 2 giờ ngày 6/6 tại khu vực gần chợ Mường Thanh, khiến 9 gian hàng bị cháy, trong đó 7 gian hàng bị thiêu rụi hoàn toàn, với diện tích đám cháy khoảng 350m2. Phòng cảnh sát PCCC & CNCH đã huy động 75 cán bộ chiến sĩ, 10 lượt xe chuyên dụng và các thiết bị triển khai xuống hiện trường nhanh chóng tổ chức chữa cháy. Tuy nhiên do các gian hàng tạp hóa liền kề lại chứa các vật dụng dễ cháy như vàng mã, dầu ăn, đồ khô… nên ngọn lửa đã lan nhanh chóng. Phải sau 2,5 giờ đồng hồ đám cháy mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Trung tá Trần Thanh Bình cho biết thêm: Các quy định của Nhà nước trong công tác PCCC tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh hầu hết được thực hiện ngay từ khi thiết kế và xây dựng công trình, hệ thống PCCC được thiết kế lắp đặt đồng bộ. Nhưng với các chợ thì ngược lại. Phần lớn chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay là nơi tụ họp, làm ăn sinh sống của hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình thì hầu hết đều được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đều thiếu, chưa đầy đủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Thêm vào đó, nhiều chợ trong tình trạng quá tải nên các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, thay đổi công năng sử dụng công trình, kéo mắc dây điện, căng lều, bạt, mái che làm cản trở giao thông phục vụ xe chữa cháy, đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Các tiểu thương tại chợ hầu như đều chưa có kho chứa nên hàng hóa nhập về được bà con chất đầy ở khu vực buôn bán, đây chính là những điều kiện thuận lợi dễ gây sự cố cháy nổ nếu không phòng chống kịp thời.

Để công tác phòng chống “giặc lửa” thực sự hiệu quả, cùng với việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy ngày càng hiện đại, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao, thì việc nâng cao ý thức của con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xác định được điều đó, từ đầu năm đến nay Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã phối hợp với công an các huyện: Mường Nhé, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa tổ chức 69 lượt tuyên truyền lưu động; mở 20 lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC cho hơn 1.800 người tham gia. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền kiến thức an toàn PCCC trên hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn được 6.263 lượt; tại tổ dân phố, thôn, bản 40.026 lượt; tại các chợ trung tâm thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và các huyện là 21 lượt cho 1.922 hộ kinh doanh trong chợ…

Phòng PCCC & CNCH còn phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố ra mắt 12 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 4 “điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay.

Làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu sẽ hạn chế thấp nhất hậu quả của cháy nổ gây ra. Thực tế cho thấy, so với cùng kỳ năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, thiệt hại 5,33 tỷ đồng, thì năm nay giảm còn 7 vụ, thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, điều quan trọng hàng đầu là sự chung tay, đồng lòng, quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn “giặc lửa” của mỗi người dân, khu dân cư và cộng đồng xã hội. Bởi lực lượng PCCC chuyên nghiệp dù có đông đảo, hiện đại đến mấy mà người dân lơ là, chủ quan, thiếu ý thức tự giác trong công tác PCCC thì những vụ hỏa hoạn vẫn xảy. Chính sự chủ động phòng ngừa của mỗi người, mỗi nhà sẽ hạn chế tối đa nguyên nhân gây ra cháy, đồng thời người dân cũng là lực lượng trực tiếp chữa cháy kịp thời, hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top