ĐBP - Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đến nay ngành BHXH tỉnh đã rút gọn còn 25 TTHC; trong đó, 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tính đến 30/9/2022, BHXH tỉnh đang quản lý trên 599.000 người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 94,7% dân số); trên 50.000 người tham gia BHXH, trong đó trên 37.000 người tham gia BHXH bắt buộc, trên 13.000 người tham gia BHXH tự nguyện, trên 29.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn quản lý và chi trả trên 14.900 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách, BHXH tỉnh xác định phải tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC với phương châm cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức và cá nhân đến giao dịch.
Triển khai thực hiện, BHXH tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ; thường xuyên rà soát các TTHC nhằm loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo, không cần thiết; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử văn hóa, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHTN. Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC theo cơ chế “Một cửa” liên thông, niêm yết công khai các TTHC tại trụ sở BHXH từ tỉnh đến huyện, thị; tổ chức triển khai thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại đơn vị sử dụng lao động qua dịch vụ bưu chính, góp phần tích cực giảm thời gian giao dịch của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Các TTHC được cắt giảm theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, đảm bảo tính khả thi, mang lại lợi ích thiết thực, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục BHXH giúp rút gọn TTHC và thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, việc cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân đánh giá cao. Anh Nguyễn Văn Thành, tổ 5, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Tôi thường liên hệ thực hiện các thủ tục bảo hiểm. Thủ tục nào chưa hiểu, tôi đều được cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ giải đáp nhiệt tình, ân cần; cách tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục được thực hiện nhanh gọn.
Hiện tại, người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công ngành BHXH. Đặc biệt, ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động được BHXH tỉnh tích cực triển khai đã cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT... và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy như hiện nay.
Bà Trịnh Ngọc Hà, Phó phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, đẩy mạnh việc chuyển đổi số vào cải cách TTHC là giải pháp đang được BHXH tỉnh tập trung triển khai nhằm hướng đến nền hành chính phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã kịp thời cung cấp thông tin, giúp người lao động và nhân dân hiểu đúng và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các quy định trong lĩnh vực giải quyết chế độ, chính sách về BHXH, BHYT; cũng như hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, các nhiệm vụ cải cách hành chính đang được triển khai, thông tin các phản ánh, kiến nghị về những quy định chưa phù hợp của TTHC, thái độ, giao tiếp của cán bộ, công chức. Với sự quyết tâm cao độ của toàn hệ thống, tích cực triển khai các giải pháp cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách TTHC nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh; đến nay, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH tại tỉnh ta đạt 82%, vượt 2% so với chỉ tiêu Nghị quyết 18 đề ra.
Việc chú trọng cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ đã làm thay đổi, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và viên chức ngành BHXH với người dân, doanh nghiệp. Đây là những chỉ số chính phản ánh hành chính gắn với ứng dụng CNTT, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu là sự hài lòng của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, tạo nên lợi ích kép cho ngành BHXH và người dân.