Vấn đề tuần này

Chung tay đảm bảo an sinh xã hội

08:33 - Thứ Năm, 13/10/2022 Lượt xem: 4082 In bài viết

ĐBP - Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, những năm qua, cộng đồng xã hội đã tích cực chung tay, góp sức chăm lo cho người nghèo, người yếu thế bằng những hành động, việc làm ý nghĩa, thiết thực. Bằng sự ủng hộ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, hàng triệu hộ nghèo trong cả nước có nhà ở, cải thiện sinh kế vươn lên thoát nghèo. Tháng cao điểm Vì người nghèo hàng năm, các cấp, các ngành và toàn xã hội tiếp tục chung tay vì người nghèo với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống đói nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại lễ phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh thông tin, trong năm qua (từ tháng 10/2021 đến 30/9/2022) Quỹ Vì người nghèo tỉnh Điện Biên tiếp nhận trên 128 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở, cải thiện sinh kế, khám chữa bệnh… Nhờ vậy, gần 3.000 hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở; trên 4.500 suất quà tết được trao tặng tới người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; 67 hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế… Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi sở ngành, địa phương đều có những hoạt động cụ thể chăm lo công tác an sinh xã hội, triển khai chính sách giảm nghèo; góp phần tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo đã giúp người nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên; hạ tầng các xã địa bàn khó khăn được cải thiện. Giai đoạn 2016 - 2021, thực hiện các chính sách hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, các chính sách an sinh xã hội, toàn tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn được cải thiện, diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi, khang trang hơn. Hệ thống giao thông nông thôn, nước sinh hoạt và trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư. Mỗi năm hơn 8.000 lao động được đào tạo nghề giúp nâng tỷ lệ lao động toàn tỉnh được đào tạo đạt gần 60%. Hộ nghèo được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thực hiện cải thiện sinh kế, vươn lên từng bước thoát nghèo. Hiệu quả việc đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã giúp hộ nghèo học hỏi, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình.

Có thể thấy rằng, sự chung tay của toàn xã hội và việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo nên những chuyển biến tích cực trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều hộ nghèo, khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ sửa chữa, làm mới, không phải sống trong nhà tạm, dột nát. Kết quả thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, chung tay chăm lo người nghèo của cả hệ thống chính trị đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từng năm, nhất là địa bàn các huyện 30a. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, chiếm tỷ lệ 34,9% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; trong đó 47.000 hộ nghèo, hơn 10.000 hộ cận nghèo và gần 8.000 hộ nghèo, gia đình chính sách cần được sửa chữa, làm mới nhà ở. Hầu hết hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở các xã khó khăn, trình độ dân trí chưa cao.

Chung tay chăm lo người có công, người nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh phát động các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tùy theo điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia đóng góp, ủng hộ với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Các nguồn lực huy động được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, minh bạch thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội; có giải pháp thiết thực, sáng tạo trong công tác chăm lo người có công, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về vốn, cách thức sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Cùng với sự hỗ trợ, chung tay, góp sức của toàn xã hội cần thêm sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ, hỗ trợ người nghèo cũng cần được đổi mới nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Gia Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top