ĐBP - Với mục tiêu “học đi đôi với hành”, thời gian qua, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, tổ chức trên địa bàn TX. Mường Lay đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực. Nhiều lao động sau khi tham gia các lớp học cơ bản nắm vững được kiến thức chuyên môn, áp dụng vào thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cách đây chừng chục năm, bản Huổi Min, phường Sông Đà là một trong những bản đặc biệt khó khăn ở TX. Mường Lay. Nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn ấy ngoài thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, đường sá... thì nhận thức, tư duy cũ trong sản xuất là yếu tố then chốt. Thay vì tận dụng điều kiện, lợi thế về địa hình để chăn nuôi, trồng trọt thì bà con cơ bản chỉ canh tác lúa nương, năng suất thấp.
Trước thực trạng trên, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, những năm gần đây bà con Huổi Min đã quan tâm hơn đến việc chăn nuôi, sản xuất. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình mua gia súc về chăn thả. Trong trồng trọt, người dân đã “biến” diện tích đất trồng lúa nương thành những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Sông Đà cho biết: Xác định sự hạn chế của người dân trong việc áp dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất, để đồng hành cùng bà con, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, như: Kĩ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho lúa; kĩ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm... Các lớp đào tạo sau khi được tổ chức đã giúp bà con nâng cao nhận thức trong trồng trọt, chăn nuôi.
Là trưởng bản và cũng là học viên tiêu biểu của các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Huổi Min, anh Lầu A Sò hồ hởi nói: Bản hiện có 20 hộ với 100% là người dân tộc Mông. Trước đây dân bản rất khó khăn. Quanh năm cũng chỉ bám vào mấy mảnh nương để sản xuất nên nhiều khi cũng thiếu đói. Nhưng mấy năm gần đây, được tuyên truyền, vận động, bà con cũng hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực đăng kí tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Chính vì thế, từ những nương lúa khô cằn, giờ đây bản đã chuyển đổi được hơn 10ha ruộng bậc thang, sản xuất được 2 vụ, năng suất đạt từ 50 - 53 tạ/ha. Riêng với lĩnh vực chăn nuôi, nhờ hiểu được kĩ thuật chăm sóc, nhiều hộ đầu tư kinh phí mua con giống, xây dựng chuồng trại. Đến nay, trung bình mỗi hộ sở hữu từ 3 - 5 con gia súc, chiếm gần 50% đàn vật nuôi của phường.
Việc triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ mang lại hiệu quả cho người dân bản Huổi Min còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân trên địa bàn TX. Mường Lay. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thị xã đã đào tạo nghề cho hơn 600 lao động nông thôn. Riêng từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 lao động nông thôn được tham gia các lớp đào tạo thuộc các nhóm ngành, nghề nông nghiệp, như: Kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa; chăm sóc, phòng trị bệnh cho ngan, gà, lợn, gia súc...
Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Mường Lay cho biết: Dựa trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch được giao, hàng năm, Phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, chính quyền các xã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tổ chức mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, qua mỗi khóa đào tạo nghề, phần lớn học viên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nắm được kiến thức cơ bản, thiết thực trong các nghề nông nghiệp, dần xóa bỏ phương thức sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thị xã Mường Lay đã và đang đi đúng hướng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa, theo ông Trần Mạnh Hà, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được ý nghĩa học nghề sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa; làm tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực, phù hợp điều kiện của địa phương. Cùng với đó, kết hợp, triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã còn khoảng 1%.