Vẫn khó xuất khẩu lao động

08:43 - Thứ Bảy, 15/10/2022 Lượt xem: 6041 In bài viết

ĐBP - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) từng được kỳ vọng là giải pháp khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, những năm gần đây công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chi phí cao, thủ tục rườm rà, chất lượng lao động thấp, thói quen lao động thiếu tổ chức kỷ luật do tập quán sản xuất của người dân… là những trở ngại khiến tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt thấp.

Đại diện doanh nghiệp giới thiệu thông tin vị trí việc làm đến người lao động đi làm việc tại nước ngoài tại Hội chợ Việc làm tỉnh Điện Biên năm 2022.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm và thực hiện giảm nghèo bền vững, những năm qua các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu về việc làm đến người dân. Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia XKLĐ những năm gần đây không đạt mục tiêu đề ra. Nhiều huyện gặp khó khăn về đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện Nghị quyết 30a, người dân huyện được hưởng nhiều ưu đãi khi XKLĐ (hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, tiền đi lại, vay vốn ngân hàng...). Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là không hiệu quả. Riêng năm 2021 toàn huyện chỉ có 1 lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Mặc dù huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng do quen lao động tự do, ngại đi xa nên số người trên địa bàn tham gia XKLĐ ngày một giảm. Mặt khác, có trường hợp tổng thu nhập của người đi làm việc ở nước ngoài không cao như người làm việc trong nước.

Khó khăn của huyện Mường Nhé cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác. Mặc dù nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ được triển khai thực hiện là điều kiện vô cùng thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động ở các huyện 30a. Các thủ tục cần thiết của người tham gia xuất khẩu lao động được hoàn tất nhanh gọn. Phía doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ được tạo điều kiện thuận lợi vào địa bàn để tuyển dụng lao động... nhưng công tác XKLĐ không mấy khởi sắc.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính riêng năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 45 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (trong đó lao động thuộc các huyện nghèo là 20 người); chia theo các thị trường: Hàn Quốc 3 lao động, Nhật Bản 25 lao động, Đài Loan 15 lao động, Singapore 1 lao động, Romania 1 lao động. Trong đó, nhiều nhất là huyện Điện Biên được 13 lao động; các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ và TX. Mường Lay mỗi địa phương chỉ có 1 lao động. Bên cạnh đó, chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, xuất khẩu lao động. Kết quả thực hiện cho vay vốn hỗ trợ XKLĐ, tổng dư nợ tính đến hết năm 2021 chỉ có 1,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh số vay năm 2021 đạt 788 triệu đồng với 9 người được vay vốn.

Anh Thào A Thán, ở xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã từng có ý định đi XKLĐ. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, tính toán anh quyết định đi làm việc tại công ty trong nước (hiện nay anh Thán đã trở về địa phương). Anh Thào A Thán chia sẻ: Năm 2019, qua tìm hiểu một số thị trường lao động có thu nhập cao (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức) thì yêu cầu khá cao, nhất là ngôn ngữ; cùng với đó chi phí xuất cảnh khá lớn. Một số nước khác điều kiện đơn giản hơn, thì mức lương thu nhập cũng thấp; thậm chí không cao hơn một số công ty trong nước. Vì vậy, tôi quyết định đăng ký tham gia làm việc tại Công ty Xây lắp mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ở Quảng Ninh. Công việc ổn định với mức thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng, tôi tiết kiệm gửi về gia đình đầu tư mua bò sinh sản, phát triển sản xuất và đã thoát nghèo.

Là một trong số ít đơn vị tham gia tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Hội chợ Việc làm tỉnh Điện Biên năm 2022, ông Trần Thế Hiệp, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động CEMA Hà Nội cho biết: Thị trường lao động của công ty được phép đưa người lao động đi làm việc gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty cam kết chi phí thấp nhất, mức lương cao và thời gian xuất cảnh sớm. Những năm trước số người đến gian hàng tìm hiểu thông tin thị trường lao động ngoài nước rất đông, nhưng năm nay rất ít. Hiện nay người lao động có xu hướng đi làm việc trong nước nhiều hơn.

Mặc dù tỉnh Điện Biên có lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia xuất khẩu rất lớn (chiếm khoảng trên 60% tổng số lao động trong độ tuổi). Tuy nhiên, số lao động này còn mang nặng phong tục tập quán, ngại thoát ly sống xa gia đình, làng, bản; tâm lý ngại tiếp cận với những điều kiện mới. Chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, một số lao động đang tập trung học nghề, học ngoại ngữ bỏ về không có lý do, làm ảnh hưởng đến tư tưởng số lao động đang học hoặc chuẩn bị tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và hoạt động của các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ.

Đối với các thị trường lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản có thu nhập cao, ổn định thì chi phí đầu vào cao, yêu cầu tuyển dụng tay nghề của doanh nghiệp khắt khe, lao động tỉnh ta khó đáp ứng. Đơn cử, thị trường lao động Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành và lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn chứ không tuyển dụng lao động mới. Trong khi đó, theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 50 lao động không về nước đúng thời hạn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Còn đối với các thị trường Malaysia, Đài Loan cánh cửa XKLĐ vẫn mở rộng nhưng không thu hút lao động bởi thu nhập cao hơn không nhiều so với làm việc tại các khu công nghiệp trong nước.

Một điều kiện thuận lợi là mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2022/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn... có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ   trợ   tiền ăn,   sinh   hoạt   phí   trong   thời   gian   đào   tạo  50 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) mức 600.000 đồng/người. Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ tiền đi  lại  (lượt đi và về)  cho  người  lao  động  từ nơi đăng  ký  hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo mức 200 nghìn đồng/người/khóa học đối với người  lao  động  cư  trú  cách  địa điểm đào  tạo  từ  15km  trở  lên...

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top