Đến rạng sáng nay (15/10), chính quyền thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố miền trung vẫn tiếp tục dốc toàn lực lượng di dân ra khỏi vùng nguy hiểm và ngập sâu. Trận mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5 sau khi chuyển thành áp thấp nhiệt đới, đã nhấn chìm nhiều khu vực trên toàn thành phố Đà Nẵng.
Ghi nhận của phóng viên, đến 0 giờ ngày 15/10, chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục huy động toàn lực lượng, ứng cứu người dân, nhất là tại các khu vực ngập quá sâu khiến người dân không thể di chuyển.
Trắng đêm cứu hộ dân
Công an, bộ đội, lực lượng xung kích tại các địa phương đã bằng mọi cách dùng thuyền, xuồng, các phương tiện cứu hộ để tiếp cận người bị nạn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, gần như toàn thành phố Đà Nẵng ngập sâu, nhất là quận Sơn Trà, dọc ven biển đường Trường Sa; một phần quận Hải Châu; một số khu vực quận Thanh Khê và các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).
Lãnh đạo thành phố yêu cầu triển khai ngay phương án cứu hộ diện rộng. Chưa thể thống kê được số lượng người dân được ứng cứu nhưng các cuộc gọi vào số điện thoại đường dây nóng đều đã được tiếp nhận và lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận hiện trường bằng mọi cách có thể. Hiện vẫn còn một số khu vực chưa thể tiếp cận do nước chảy quá xiết. Lực lượng cứu hộ ưu tiên hỗ trợ cứu hộ người già, trẻ em và các trường hợp người dân mắc kẹt giữa lũ xiết.
Thông tin nhanh với phóng viên qua điện thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, ông đang trực tiếp chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường và bằng mọi giá trong đêm nay sẽ tiếp cận được cơ bản các khu vực người dân kêu cứu. Thành phố quyết định cho học sinh toàn thành phố nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn.
Anh Nguyễn Văn Rin thuê trọ tại đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Khi nước tràn vào nhà, anh và mọi người nhanh chóng dọn đồ đạc ở dưới kê lên cao để tránh ướt và chập điện. Đang ở trên gác lửng nhưng anh vẫn lo lắng nếu nước tiếp tục dâng thì không thể ra ngoài.
“Tôi khá lo lắng, quanh đây cũng nhiều trường hợp đang thuê trọ ở như mình thì tình trạng ngập sẽ giống nhau. Đêm nay không ai dám ngủ, phải thức để canh nước” - anh Rin chia sẻ.
Từ 19 giờ tối, lúc đỉnh điểm mưa lớn kèm sấm chớp, gió giật mạnh, Đà Nẵng đã tạm thời đóng điện trên diện rộng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Các đơn vị trực thuộc điện lực Đà Nẵng tập trung tăng cường lực lượng ứng trực tại các khu vực ngập lụt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn cấp điện. Ngay sau khi nước rút, công ty sẽ kiểm tra, khôi phục cấp điện trở lại kịp thời cho nhân dân.
Khu vực đập Đá ở thành phố Huế bị ngập sâu, được rào chắn cấm qua lại. (Ảnh ĐỖ TRƯỞNG) |
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã triển khai di dời hơn 11.700 hộ với hơn 37.000 nhân khẩu có nhà cửa tại các khu vực nguy cơ sạt lở đất và các khu vực ngập lụt, hạ du sông Hương, sông Bồ đến nơi trú ẩn an toàn..
Đặc biệt, ưu tiên sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước như phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em, người cao tuổi... Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hùng cho biết, địa phương sẽ là một trong những tâm điểm của đợt mưa lớn lần này, kéo dài từ ngày 14-16/10, với tổng lượng mưa từ 500-700mm, có nơi hơn 800mm.
Hiện mực nước trên các sông đang lên nhanh. Dự báo mực nước trên sông Hương và sông Bồ có thể đạt và vượt mức báo động 3. Mức độ rủi ro thiên tai được đánh giá ở cấp độ 3.
Lực lượng chức năng phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khẩn trương đưa trẻ em tại các hộ dân bị ngập đến nơi an toàn. |
Mưa lớn trong hai ngày qua khiến 14 hộ dân sống ở khu vực chân đèo Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc thấp thỏm lo lắng bởi nguy cơ sạt lở núi. Các hộ dân sống rải rác dọc dưới chân núi trong khoảng cách từ 150-400m gần chân núi. Từ tuyến quốc lộ 1A dễ dàng nhận rõ vết nứt gãy kéo dài, với khối lượng đất đá khá lớn, nguy cơ sạt trượt trên lưng chừng núi khi có mưa lớn. Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến Phan Văn Cường cho biết: “Ngay trong chiều 14/10, xã di dời khẩn cấp các hộ dân ở thôn Phú Gia xen ghép vào các hộ gia đình nằm phía ngoài quốc lộ 1A”.
Bảo đảm an toàn giao thông trong mưa lũ
Ngay trong đêm 14/10, chính quyền thành phố Đà Nẵng chỉ đạo lực lượng chức năng chốt chặn hầm Hải Vân do mưa lớn, lũ dâng tràn mặt đường khu vực phía nam hầm từ 21 giờ ngày 14/10. Ghi nhận tại hiện trường, lúc 20 giờ 31 phút, nước bắt đầu dâng lên tầm 0,5m tại khu vực bùng binh nút giao Tạ Quang Bửu và đường dẫn phía nam hầm Hải Vân.
Đến 20 giờ 40 phút, lũ quét tràn từ trên núi Hải Vân về trước quảng trường và đường dẫn Cầu số 1, 2 phía nam với dòng chảy lớn chảy mạnh vào quảng trường kéo theo nhiều đất đá, gỗ đổ từ sườn núi xuống khu vực đầu cửa hầm. Hiện các đơn vị chức năng đã huy động lực lượng và máy xúc liên hợp để sau khi ngớt mưa sẽ dọn dẹp đất đá, cây gỗ... để thông tuyến, mở hầm trở lại.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Huỳnh Gia Hoàng cho biết: Trên các tuyến quốc lộ qua Phú Yên gồm: Quốc lộ 25, quốc lộ 29, quốc lộ 19C, quốc lộ 1D và nhiều tuyến đường khác, tại nhiều vị trí phát sinh nhiều ổ gà, hư hỏng mặt đường; xảy ra tình trạng sạt lở mái ta-luy dương bồi lấp rãnh dọc và mặt đường với khoảng 16.000 m2.
Trước tình hình phức tạp của thời tiết, các đơn vị quản lý đường bộ đang tập trung triển khai các phương án khắc phục nhanh, bảo đảm an toàn giao thông tại nhiều vị trí khác nhau.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Phú Yên cho biết: Trong bốn ngày qua đến sáng nay đơn vị ứng trực 24/24 giờ, hằng ngày công ty bố trí 4-5 mũi bảo đảm giao thông tại các vị trí nguy hiểm mất an toàn giao thông, với 35 nhân lực, 15 đầu thiết bị; đã tổ chức lắp đặt 35 biển cảnh báo các loại, 50 đèn nháy tại các đoạn đường hư hỏng nặng để cảnh báo.
“Dự kiến từ hôm nay 15/10, khi trời ngớt mưa sẽ đẩy mạnh công tác vá sửa bê-tông nhựa, xử lý sình lún để giảm áp lực, bảo đảm an toàn giao thông tạm thời”, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết.