ĐBP - Thời gian qua, huyện Điện Biên đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi... cho nghười nghèo; qua đó tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Thông qua đó, nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân cũng dần được thay đổi và nỗ lực phấn đấu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Dù vẫn sống trong căn nhà đơn sơ, vách nứa và cũng khá tuềnh toàng, song gia đình chị Lò Thị Thủy, thôn Thanh Bình - Co Rốm, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên vẫn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Với suy nghĩ “có sức khỏe là có tất cả”, chị Thủy không ngại khó, ngại khổ để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để nhường chế độ, chính sách ưu tiên cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Khi chúng tôi đến tìm hiểu và nêu gương sáng về việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo của gia đình, chị Thủy ngần ngại và khiêm tốn cho rằng, việc làm đó không có gì to tát mà chỉ là việc mà chị và gia đình nên làm để giúp những người khác. Chị Thủy tâm sự: “Vợ chồng tôi còn trẻ nên vẫn còn phấn đấu, làm ăn được. Sau đó, tôi cũng là một cán bộ của thôn bản cũng cần gương mẫu đi đầu để cho bà con noi theo. Hiện nay, gia đình có 4 con trâu và gia súc nữa, chúng tôi sẽ cố gắng vươn lên để sớm thoát nghèo…”.
Nghe những lời chị Thủy tâm sự, chúng tôi thiết nghĩ, quả thực việc làm này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn với những người nghèo khác và cũng là cả quá trình phấn đấu, đấu tranh tư tưởng của cả nhà. Cũng có hoàn cảnh như nhà chị Thủy, gia đình bà Giàng Thị Lầu, bản Xá Nhù, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên có 3 người con; trong đó 2 người con lớn đã học xong đại học và còn cậu út đang học chuyên nghiệp. Để nuôi dạy và tạo điều kiện cho 3 người con ăn học nên người với bà Lầu là quá trình vô cùng vất vả và tốn kém. Thế nhưng, gia đình bà Lầu vẫn nguyện viết đơn để xin thoát nghèo. Dẫu cuộc sống gia đình vẫn còn không ít khó khăn nhưng với suy nghĩ cuộc sống của mình như vậy vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác nên gia đình bà tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.
Bà Lầu chia sẻ: “Gia đình thì vẫn còn nhiều khó khăn nhưng giờ đây các thành viên đều làm công nhân cao su nên thu nhập cũng ổn định rồi. Vẫn biết, hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng gia đình mình vẫn còn may mắn lắm nên để nhường hộ nghèo cho nhà khác thôi. Vì vậy, nhà mình đã viết đơn xin thoát nghèo để nhường các chính sách hỗ trợ đến với những người khó khăn hơn”.
Cùng với ý chí thoát nghèo của người dân, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo, cận nghèo thông qua nhiều chương trình, chính sách; tạo đòn bẩy, động lực giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách cho người nghèo trên địa bàn cũng là giải pháp thiết thực mà huyện Điện Biên đã làm trong thời gian qua nhằm giúp người dân vươn lên trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Quang Khải, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo cụ thể như: Chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn… Các cơ chế chính sách, dự án được phối hợp lồng ghép, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt hiệu quả đã giúp người dân từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Đối với người nghèo, năm 2021, toàn huyện đã cấp 52.389 lượt thẻ BHYT cho các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức hỗ trợ tiền điện cho 3.278 lượt hộ nghèo với tổng số tiền hỗ trợ gần 2 tỷ đồng. Thực hiện cứu đói giáp hạt năm 2021 tại 21/21 xã cho 755 hộ, 2.758 khẩu, số gạo là 41,37 tấn. Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/10/2021 là 3.388 đối tượng, trong đó: Trợ cấp hàng tháng cho 93 trẻ em mồ côi, 1.454 người cao tuổi trên 80 tuổi, 1.337 người khuyết tật, 13 người bị nhiễm HIV/AIDS, 101 người đơn thân nuôi con nhỏ, 367 gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và khuyết tật đặc biệt nặng, 23 đối tượng khác. Đồng thời giải quyết cho 2.509 lượt đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, DTTS, học sinh sinh viên vay vốn tín dụng, với tổng số tiền 92,672 tỷ đồng…
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hết năm 2021, tỷ lệ giảm nghèo theo đa chiều, toàn huyện chỉ còn 2.997 hộ nghèo/25.182 hộ (11,9%), số hộ cận nghèo 2.429 hộ (9,65%) và kết quả giảm nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều - nghèo cũ còn 3.292 hộ nghèo/25.182 hộ (9,5%), số hộ cận nghèo 2.552 hộ (10,13%). Việc thay đổi nhận thức của người nghèo cùng với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương, đã góp phần tạo ra chuyển biến tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên.